70 năm giải phóng Thủ đô

Cử tri huyện Đan Phượng kiến nghị quan tâm chế độ chính sách cho giáo viên

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi tiếp xúc với các đại biểu HĐND TP Hà Nội, cử tri huyện Đan Phượng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên…

Chiều 20/11, tại xã Đồng Tháp, các đại biểu HĐND TP thuộc Đơn vị bầu cử số 25 gồm: Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải; Tổng Giám đốc Tổng Công ty UDIC Nguyễn Văn Luyến đã tiếp xúc cử tri huyện Đan Phượng trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 (Kỳ họp thứ 14), HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Văn Luyến thay mặt Tổ đại biểu đã thông báo với cử tri huyện Đan Phượng dự kiến nội dung, thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 14 HĐND TP khóa XVI và báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ tiếp xúc trước.

Theo đó, kỳ họp thứ 14 HĐND TP dự kiến diễn ra từ ngày 4/12 đến 8/12/2023. Tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét, thông qua 71 nội dung, trong đó xem xét 24 báo cáo, xem xét thông qua 47 nội dung ban hành nghị quyết.

Đáng lưu ý, trong số 47 nội dung xem xét ban hành nghị quyết có 20 nội dung nghị quyết chuyên đề, trong đó có các nội dung về điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch đầu tư công năm 2024 và 5 năm 2021 - 2025 cấp TP; thông qua hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 theo quy định của pháp luật; thông qua Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065...

Cử tri huyện Đan Phượng kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh bức xúc.
Cử tri huyện Đan Phượng kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh bức xúc.

Dự kiến, HĐND TP cũng dành 1 ngày để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và những vấn đề bức xúc mà đại biểu HĐND TP cùng cử tri Thủ đô quan tâm.

Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Đức Hải cho biết, năm 2023, kinh tế Thủ đô tiếp tục phục hồi phát triển nhanh, các cân đối lớn được đảm bảo. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 110,5% dự toán, tăng 16,8% so với năm 2022, đảm bảo cho các khoản chi ngân sách.

Tăng trưởng GRDP được duy trì, tuy nhiên đạt thấp hơn mức tăng cùng kỳ và kịch bản đề ra đầu năm. GRDP 9 tháng đầu năm tăng 6,08% (mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn). Các ngành, lĩnh vực đều phát triển, trong đó dịch vụ phục hồi mạnh. Vốn đầu tư xã hội ước tăng 9% (kế hoạch tăng 10,5%); 10 tháng đầu năm thu hút 2.607 triệu USD vốn FDI, tăng 2,04 lần.

Phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, đã có 17/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 382/382 (100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 4 huyện Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Chủ tọa hội nghị lắng nghe ý kiến của cử tri.
Chủ tọa hội nghị lắng nghe ý kiến của cử tri.

Phát biểu tại hội nghị, cử tri huyện Đan Phượng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả TP đã đạt được trong năm 2023. Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, cử tri huyện Đan Phượng tiếp tục gửi tới các đại biểu HĐND TP một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến công tác quản lý đất đai; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Cử tri cũng đề nghị nâng phụ cấp cho người kiêm nhiệm các chức vụ ở thôn; lắp đặt máy chiếu, điều hoà trong trường học; quan tâm có thêm chế độ chính sách cho giáo viên và nhân viên trường mầm non...

Trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của cử tri, đại biểu Trần Đức Hải - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung cử tri quan tâm thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện. Đồng thời khẳng định, sẽ tổng hợp đầy đủ, gửi tới các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo duy định.