Cử tri kiến nghị sớm triển khai dự án làm sống lại dòng sông Đáy

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cử tri kiến nghị Thành phố tiếp tục quan tâm tới việc giao đất dịch vụ, đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp; Kiến nghị Chính phủ sớm triển khai dự án làm sống lại dòng sông Đáy góp phần cải tạo cảnh quan, khai thác tốt hơn tiềm năng phát triển nông nghiệp vùng bãi...

 Toàn cảnh buổi buổi tiếp xúc cử tri huyện Đan Phượng, Hoài Đức sáng 2/3.
Đó là những kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Đan Phượng, Hoài Đức trước kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (đơn vị bầu cử số 5) diễn ra sáng 2/3 ở trụ sở UBND huyện Đan Phượng.
Sau khi nghe đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà thông báo dự kiến nội dung kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ X, cử tri huyện Hoài Đức và cử tri huyện Đan Phượng đã phát biểu nêu một số kiến nghị, đề xuất.
Theo đó, cử tri Vương Văn Lâm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện 3 xã Vân Côn, Cát Quế, Dương Liễu có khu dân cư hiện trạng, lâu đời nằm trong hành lang sông Đáy, để đáp ứng nhu cầu học tập huyện đã quy hoạch các vị trí nằm trong khu dân cư hiện trạng và cập nhận trong đồ án quy hoạch Xây dựng Nông thôn mới, nhưng không triển khai được do nằm trong vùng bãi phân lũ. Huyện Hoài Đức đã tổng hợp báo cáo gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Ngày 31/3/2020 Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có Văn bản số 1472/QHKT-KHTH báo cáo UBND Thành phố về việc giải quyết nhu cầu đầu tư xây dựng các trường học khu vực vùng bãi sông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo báo cáo của Sở Quy hoạch Kiến trúc hiện nay toàn thành phố có 156 trường thuộc địa bàn 24 quận huyện nằm trong vùng bãi Sông Đáy, vùng bãi Sông Hồng; trong đó 90 vị trí phù hợp quy hoạch.
 Đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải tại buổi tiếp xúc cử tri.
Đối với 3 điểm trường của huyện Hoài Đức nằm ngoài chỉ giới hành lang thoát lũ sông Đáy; về quan điểm thành phố đối với 3 vị trí này phù hợp để xây dựng. Về thẩm quyền chấp thuận triển khai các dự án nằm trong hành lang sông Đáy thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thành phố đang báo cáo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để trình Chính phủ xem xét chấp thuận.
Cử tri đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm có ý kiến với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp& Phát triển Nông thôn và UBND TP Hà Nội xem xét để sớm đầu tư để triển khai xây dựng thêm điểm trường trong vùng bãi sông Đáy (Mầm non Dương Liễu B; Mầm non Vân Côn C, Mầm nong Cát Quế B); đảm bảo công tác dạy và học trên địa bàn huyện.
Theo cử tri Nguyễn Thị Mai Lan, Phó trưởng phòng Kinh tế, huyện Hoài Đức, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 1.800 ha đất sản xuất nông nghiệp vùng bãi sông Đáy thuộc 10/12 xã thị trấn, những năm gần đây có nhiều sản xuất hiệu quả. Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm triển khai dự án làm sống lại dòng sông Đáy góp phần cải tạo cảnh quan, khai thác tốt hơn tiềm năng phát triển nông nghiệp vùng bãi, bởi hiện nay dòng sông Đáy đang bị ô nhiễm nặng.
Cử tri Nguyễn Hữu Lễ, huyện Đan Phượng kiến nghị Thành phố tiếp tục quan tâm tới việc giao đất dịch vụ, đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp.
Cử tri Nguyễn Trọng Tấn, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức nêu, Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội do Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 12,5km, trong đó trên cao 8,5km, đi ngầm 4km; điểm đầu là Nhổn, điểm cuối là ga Hà Nội. Dự án khi hoàn thành sẽ nâng cao khả năng vận tải hành khách của Thủ đô Hà Nội, hiện đại hóa hệ thống giao thông của Thủ đô Hà Nội. Dự án khởi công xây dựng từ năm 2010 tuy nhiên tiến độ thực hiện dự án quá chậm. Đề nghị Quốc Hội đôn đốc, giám sát để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2021.
Sau khi lắng nghe và trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của cử tri huyện Hoài Đức và huyện Đan Phượng, đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải cho biết, sẽ tiếp thu toàn bộ các kiến nghị, đề xuất của cử tri hai huyện, tổng hợp, gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định...