Hội nghị được tiến hành trực tiếp tại điểm cầu huyện Đan Phượng và trực tuyến tới các huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ.
“10 năm chính sách đền bù giải phóng mặt bằng không thay đổi”
Tại hội nghị, đại biểu Trần Việt Anh thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Đơn vị bầu cử số 7 báo cáo nhanh tới cử tri kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6/2023; đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 24/6/2023) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Kỳ họp đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.
Kỳ họp cũng tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại hội nghị, cử tri huyện Đan Phượng đã quan tâm kiến nghị đến chính sách đền bù, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Cử tri Nguyễn Thị Hoa (xã Liên Hồng) khẳng định, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo thế và lực mới cho địa phương cũng như Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng phát sinh nhiều vướng mắc. Cụ thể, Nhân dân có ý kiến cho rằng, giá đất đền bù không thay đổi trong 10 năm gần đây, trong khi giá cả các loại nguyên vật liệu, vật dụng sinh hoạt hàng ngày, xăng dầu, thực phẩm… ngày càng tăng khiến người dân băn khoăn.
“Cử tri và Nhân dân cũng kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ phần diện tích đất nông nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang cây ăn quả khi thu hồi đất phục vụ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội” - cử tri Nguyễn Thị Hoa nói.
Cùng quan tâm đến dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, cử tri Nguyễn Văn Tự (xã Hồng Hà) nêu, xã Hồng Hà có hơn 100 hộ dân phải di dời sang khu tái định cư mới để phục vụ dự án. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương án cụ thể về công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhất là đất ở.
“Tôi đề nghị, với giá đất ở khi Nhà nước thu hồi phục vụ các công trình phúc lợi như giao thông, an ninh quốc phòng, phải bằng hoặc xấp xỉ giá sàn mà huyện và TP quy định; không nên áp dụng giá sàn thực tế của người mua – bán đất” – cử tri Nguyễn Văn Tự kiến nghị.
Nêu thực tế đồng thời bày tỏ kiến nghị, cử tri Nguyễn Tiến Huệ (xã Tân Lập) cho biết, mặc dù giá đất bồi thường thấp nhưng hiện chưa có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người dân.
Cử tri Nguyễn Sỹ Lượng (xã Tân Hội) nêu vấn đề chính sách thu hồi đất không thống nhất, thay đổi liên tục, gây thắc mắc cho người dân. “Hơn nữa tôi đề nghị xây dựng bảng giá đất đền bù giải phóng mặt bằng theo thị trường và áp dụng thống nhất cho cả dự án công cộng lẫn dự án thương mại” – cử tri nêu.
Nhiều ý kiến xác đáng, tâm huyết
Thay mặt Tổ đại biểu phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao và cảm ơn các ý kiến rất trách nhiệm, tâm huyết của cử tri, được tổng hợp từ thực tiễn tại địa phương, đơn vị.
Trao đổi thêm về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP cho biết, với tinh thần trách nhiệm trước cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri tới diễn đàn Quốc hội.
Đồng thời tham gia đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ vào các dự án Luật trình Quốc hội, đặc biệt là dự án Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Công an Nhân dân, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Căn cước công dân… trên tinh thần sửa đổi để đạt được yêu cầu thực tiễn. Trong đó có 83 ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ, 38 ý kiến phát biểu tại hội trường và 12 ý kiến đại biểu chất vấn tư lệnh các ngành và thành viên Chính phủ tại diễn đàn Quốc hội.
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề về chính sách tài khóa, tiền tệ và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, trong đó có dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Do đó, các ý kiến cử tri nêu liên quan đến các lĩnh vực này sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP tổng hợp đầy đủ, chính xác để chuyển tải tới Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Thực tế, nhiều ý kiến kiến nghị liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đã được tổng hợp, gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành, UBND TP để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trên tinh thần triển khai đúng quy định của pháp luật, từ giải phóng mặt bằng, tái định cư, đến thi công…
Đối với ý kiến của cử tri huyện Đan Phượng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai cho rằng rất xác đáng, chẳng hạn như ý kiến đề nghị xây dựng bảng giá đất cụ thể, làm căn cứ đền bù khi thực hiện thu hồi đất và tinh thần của Chính phủ, TP cũng rất lắng nghe, cầu thị để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
“Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội luôn tiếp nhận ý kiến cử tri, đảm bảo nguyện vọng, kiến nghị của cử tri được tiếp thu nghiêm túc, tổng hợp đầy đủ. Mong cử tri tiếp tục quan tâm, động viên, cùng giám sát với hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP nói.