Cử tri Thụy Sĩ bác bỏ kế hoạch chuyển chế độ bảo hiểm y tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cử tri Thụy Sĩ đã bác bỏ kế hoạch chuyển chế độ bảo hiểm y tế từ hoàn toàn tư nhân sang Nhà nước quản lý khi có tới 62% số người tham gia nói "không" với kế hoạch này.

Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 28/9, cử tri Thụy Sĩ đã bác bỏ kế hoạch chuyển chế độ bảo hiểm y tế từ hoàn toàn tư nhân sang Nhà nước quản lý khi có tới 62% số người tham gia nói "không" với kế hoạch này.

Cuộc trưng cầu ý dân nói trên do các đảng cánh tả đề xuất và được tổ chức sau khi các đảng này thu thập được hơn 100.000 chữ ký ủng hộ theo đúng quy định. Các nhà vận động cho rằng đây là cách duy nhất để kiểm soát phí bảo hiểm đang ngày càng gia tăng, đảm bảo hiệu quả và sự minh bạch trong ngành bảo hiểm.

 
(Nguồn: AFP/Getty Images)
(Nguồn: AFP/Getty Images)
Theo các nhà quan sát, kết quả trưng cầu cho thấy rõ sự chia rẽ trên cả nước về vấn đề bảo hiểm y tế vốn đang gây tranh cãi gay gắt, khi các vùng nói tiếng Đức phản đối còn các vùng nói tiếng Pháp ủng hộ. Đây cũng là một thất bại lớn đối với các nhà cải cách vì những cuộc thăm dò trước đó cho thấy phe nói "không" chỉ chiếm tỷ lệ 54%.

Những cải cách tương tự từng bị bác bỏ với 71% số phiếu phản đối trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2007.

Chế độ bảo hiểm hiện nay của Thụy Sĩ yêu cầu mọi người dân phải đóng bảo hiểm y tế cơ bản và có quyền chọn một trong 61 công ty để thực hiện nghĩa vụ này. Các nước trên thế giới coi đây là một mô hình bảo hiểm y tế hiệu quả, đặc biệt Mỹ dự định cải cách hệ thống y tế của mình theo mô hình này.

Tuy nhiên, người dân Thụy Sĩ ngày càng thất vọng với chế độ bảo hiểm hiện nay do chi phí tăng vọt, lên tới 80% đối với chi phí y tế và 125% đối với chi phí bảo hiểm trong hơn 20 năm qua, theo ước tính của người đứng đầu Hiệp hội bác sỹ thành phố Geneva Michel Matter và có thể tăng đến 4% trong năm tới. Chiều hướng gia tăng này đã dẫn đến tình trạng nhiều người dân trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm.

Những người chỉ trích cho rằng chế độ bảo hiểm hiện nay không công bằng khi phí bảo hiểm đối với người thu nhập cao không khác biệt so với người thu nhập thấp. Họ cũng cáo buộc các công ty bảo hiểm thâu tóm quá nhiều ảnh hưởng chính trị khi kết quả điều tra cho thấy 14% nghị sỹ có quan hệ với các công ty bảo hiểm y tế hoặc các nhóm vận động hành lang trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, Hiệp hội bảo hiểm Thụy Sĩ cho rằng người dân nước này không muốn có một chế độ bảo hiểm duy nhất trên toàn quốc, đồng thời khẳng định với hệ thống y tế nằm trong tốp đầu của thế giới, sự cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm và quyền tự do lựa chọn công ty bảo hiểm là vấn đề quan trọng.

Những người ủng hộ chế độ hiện hành lập luận phí bảo hiểm cao hơn là điều không thể tránh khỏi do dân số già đi, chi phí cho dịch vụ y tế tiên tiến tốn kém và việc chuyển sang chế độ Nhà nước quản lý có thể làm phát sinh một số chi phí.