Mong muốn kéo dài thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh
Sáng 23/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về kết quả và ý nghĩa rất quan trọng của Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII. Hội nghị đã thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc để tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII, nhằm cải thiện đời sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm; giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam. Giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 5% (tương đương 110 ngàn tỷ đồng); đã hoàn thành hơn 650 km đường cao tốc; tích lũy đủ tài chính (hơn 500.000 tỷ đồng) để thực hiện cải cách tiền lương theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn; triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động; có giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường, lớp học; một số cơ sở giáo dục lạm thu gây bức xúc cho phụ huynh và học sinh; chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động còn nhiều bất cập; mới dạy được những nghề có giáo viên, chưa dạy được nghề xã hội cần, dạy nghề chưa gắn với tạo việc làm.
Đối với lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về dịch bệnh sốt xuất huyết và đau mắt đỏ; hệ lụy sau đại dịch Covid 19; đồng thời mong muốn Đảng, nhà nước, ngành y tế tiếp tục khắc phục các khó khăn, bất cập hiện nay, nhất là khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng, tiếp tục ủng hộ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước; tin tưởng vào kết quả điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, trăn trở về tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, vẫn còn xảy ra tình trạng “tham nhũng vặt”, “nhũng nhiễu” doanh nghiệp và người dân; thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá tổng thể các nguy cơ về thiên tai, sạt lở đất, cháy nổ, an toàn hồ đập, an toàn giao thông, an toàn khi tổ chức các sự kiện có đông người... để có giải pháp phù hợp, chủ động đề phòng và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp thiếu trách nhiệm trong quản lý và thi hành công vụ, công khai danh tính, địa chỉ để Nhân dân giám sát.
Bên cạnh đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bám sát Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thảo luận kỹ lưỡng những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của cử tri và Nhân dân - nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân khi nhà nước thu hồi đất.
Trên 2.700 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến cơ quan chức năng
Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết: Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: LĐTB&XH, Y tế, GTVT, GD&ĐT, TN&MT...
Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5 %, trong đó Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trả lời 69/69 kiến nghị; Chính phủ, các ngành, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị; Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị.
Cử tri đánh giá cao thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới; hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được nâng cao, khẳng định Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân. Nhìn chung, các kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như việc gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ 5 của một số Đoàn đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Đối với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, thứ nhất, quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người dân bị ảnh hưởng do Bộ, ngành chậm xây dựng, trình ban hành quy định; việc xây dựng trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số Bộ, ngành còn hạn chế, có quy định trong văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với luật; một số kiến nghị của cử tri có phạm vi áp dụng trong toàn quốc nhưng chưa được kịp thời giải quyết. Một số kiến nghị của cử tri liên quan đến việc hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân đã được các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm...
Ban Dân nguyện kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị của cử tri; đảm bảo đúng thẩm quyền xử lý của các cơ quan ở Trung ương; gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.