Cử tri và trách nhiệm trước lá phiếu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần này, cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ chính thức diễn ra.

Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các yếu tố cần thiết cho cuộc bầu cử, chủ thể quan trọng làm nên thành công và hiệu quả của cuộc bầu cử chính là cử tri.

Tuyên truyền để cử tri hiểu rõ

Nhìn từ những cuộc bầu cử trước đây cho thấy, đại đa số cử tri đều ý thức được trách nhiệm của mình trước mỗi lần bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp. Ai cũng muốn lựa chọn bầu những ĐB đủ đức, đủ tài đại diện cho mình tham gia các cơ quan quyền lực tối cao của đất nước và địa phương. Nhưng việc cử tri chưa tìm hiểu kỹ về các ứng cử viên (ƯCV) mà chỉ gạch ngẫu nhiên những người có tên trong danh sách, tình trạng đi bầu hộ, bầu thay… cũng đã trở thành chuyện không mới. Nguyên nhân được chỉ ra có cả việc người dân chưa hiểu được quyền quan trọng của mình và cả việc tuyên truyền bầu cử chưa được làm một cách thực chất để khơi dậy được ý thức và trách nhiệm của người dân.
Cử tri quận Ba Đình phát biểu ý kiến với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: Thanh Hải
Cử tri quận Ba Đình phát biểu ý kiến với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: Thanh Hải
Thể hiện quan điểm trước vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng: “Chúng ta đang mong muốn làm sao để mỗi cử tri có thể trực tiếp thực hiện quyền, trách nhiệm công dân của mình. Vì thế, công tác tuyên truyền hết sức quan trọng để mỗi cử tri xác định được rằng, lá phiếu của mình sẽ góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước của ta do dân, vì dân. Mỗi lá phiếu của cử tri sẽ trực tiếp quyết định vào việc lựa chọn những người có phẩm chất, đạo đức, năng lực như người dân vẫn thường nói có đủ đức, đủ tài để gánh vác công việc chung”.

Thực tế, hiện vấn đề tuyên truyền để cử tri hiểu về các ƯCV, về quyền và nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử cũng được Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và đặc biệt chú trọng đến những thông tin về tiêu chuẩn ĐB, giúp cử tri chọn lựa được người xứng đáng. Không chỉ tuyên truyền qua việc niêm yết danh sách ƯCV, nhiều địa phương thường thông tin trên loa truyền thanh, qua các buổi hội họp để người dân nắm được những vấn đề cơ bản về bầu cử; phát danh sách, lý lịch trích ngang của các ƯCV về từng hộ gia đình; tổ chức mạn đàm về tiêu chuẩn ĐB… Nhưng như lãnh đạo Ủy ban Bầu cử TP trong các cuộc kiểm tra đều nhắc nhở, phải đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa, với những hình thức phù hợp với từng đối tượng, khu vực dân cư, để người dân hiểu giá trị của lá phiếu bầu thực sự có sức nặng, có tính quyết định chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử.

Trách nhiệm trước lá phiếu

 “Nếu cử tri làm hết quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong bầu cử, thực sự có trách nhiệm, sát sao trong việc đánh giá, lựa chọn ƯCV, chắc chắn sẽ khiến các ƯCV nếu trúng cử trở thành ĐB dân cử trách nhiệm và nỗ lực nhiều hơn trong hoạt động của họ” - nhiều ĐB Quốc hội các khóa vừa qua bày tỏ.

Theo nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: Để ngày bầu cử thực sự là ngày hội toàn dân, phải tạo điều kiện cho cử tri tiếp xúc, hiểu ƯCV nhiều hơn, sâu sắc hơn. Và phải tăng tuyên truyền trực quan, qua phương tiện công cộng, bài hát rộn rã lên, để có sự khích lệ người dân quan tâm. Về phía cử tri, cũng nên thấy rõ quyền và nghĩa vụ công dân của mình, không nên hời hợt quá. Nên dành thời gian nghiên cứu nhân sự sâu hơn, có sự thảo luận và cân nhắc kỹ. Bởi nếu mình chọn trúng sẽ tạo nên chất lượng tốt cho cơ quan dân cử. “Nhìn lại cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, tôi thấy đó vẫn là một bài học sâu sắc về nhiều khía cạnh. Cuộc bầu cử lần này chỉ sau ngày sinh nhật Bác Hồ có 3 ngày. Với lòng tôn kính Bác, chúng ta hiểu sức mạnh của lá phiếu. Mỗi cử tri cần nhận thức sâu hơn về quyền công dân của mình để bỏ những lá phiếu thực chất, để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội toàn dân” - ông Mão chia sẻ.

Khơi dậy và tạo cơ chế thuận lợi để phát huy trách nhiệm của cử tri trong việc lựa chọn, đánh giá, dõi theo, giám sát lời hứa của các ƯCV nếu sau này họ trúng cử là cách tuyên truyền tốt. Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND lần này được thực hiện từ cấp xã, huyện, tỉnh đến T.Ư. Chính vì thế, cử tri tham gia bầu cử lần này phải có tìm hiểu lý lịch của ƯCV, khả năng hoạt động, phong cách của ƯCV đó để tìm được người gần dân, sát dân, nhiệt tình và thể hiện đúng tinh thần là người đại diện cho tiếng nói của dân. Tìm đúng người để "chọn mặt gửi vàng" là rất quan trọng. Nếu chọn không đúng thì sau này việc đại diện cho dân sẽ rất hình thức.