Cửa chính nên mở vào trong hay ra ngoài?
Cửa chính là bộ mặt của căn nhà, là nơi đầu tiên tiếp đón khách quý đến chơi. Đây cũng là vị trí giao thoa của hai luồng khí bên trong và bên ngoài nhà. Thiết kế cửa chính hợp lý sẽ giúp tăng nguồn năng lượng tốt cho căn nhà, mang đến nhiều may mắn và tài lộc.
Đa số chủ nhà đề chỉ để ý đến kích thước, màu sắc của cửa chính chứ không chú ý đến việc cửa nên mở vào trong hay ra ngoài. Đây là một chi tiết nhỏ nhưng có ảnh hưởng tới phong thủy cửa căn nhà.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Xét theo thiết kế, cửa chính mở vào trong hay ra ngoài đều có ưu nhược điểm riêng.
Cửa chính mở ra ngoài sẽ không bị mất phần diện tích phía trong khi đóng mở cửa. Không gian sinh hoạt trong nhà cũng thoải mái, rộng rãi hơn. Kiểu cửa này sẽ phù hợp với những căn nhà có diện tích hẹp. Tuy nhiên, mặt tiền ngôi nhà có diện tích nhỏ lại mở cửa ra ngoài sẽ gây bất tiện cho những người xung quanh. Đặc biệt, nếu cửa quá gần với cửa nhà bên cạnh cũng dễ gây ra xung đột.
Trong khi đó, cửa chính mở vào trong sẽ tránh được những nhược điểm ở trên. Tuy nhiên, cửa mở vào trong sẽ chiếm một phần diện tích ở trong nhà.
Theo quan niệm phong thủy, cửa chính tốt nhất nên được mở vào trong. Nguyên nhân là do cửa chính là nơi đón khí vào nhà. Mở cửa hướng vào trong là hành động giúp luân chuyển khí tốt hơn. Trong khi đó, mở cửa hướng ra ngoài sẽ khiến gia chủ dễ mất đi vượng khí, tài lộc, đón các nguồn khí không tốt vào nhà.
Trên thực tế, việc thiết kế cửa chính mở ra hay mở vào còn phụ thuộc vào loại cửa và kết cấu thực tế của ngôi nhà. Nếu thiết kế cửa hai lớp thì cửa chính sẽ không thể mở ra ngoài vì vướng lớp cửa bảo vệ bên ngoài (có thể là cửa cuốn, cửa xếp...). Hoặc cửa có bậc thềm làm trong nhà và bên ngoài có chênh lệch độ cao thì cửa nên được mở vào trong.
Những lưu ý khác khi thiết kế cửa chính
- Cửa chính là nơi thu hút ánh sáng và không khí thiên nhiên vào bên trong ngôi nhà do đó, khi thiết kế cửa chính phải lấy sự đối lưu không khí trong nhà làm điểm trọng tâm.
- Kích thước cửa chính của mỗi nhà phụ thuộc vào diện tích, số tầng cao của ngôi nhà đó. Do đó, khi xây mới nhà ở hoặc sửa sang lại nhà cửa, bạn nên nhờ kiến trúc sư tư vấn để có được kích thước cửa phù hợp tỷ lệ hợp lý và cân đối so với kích thước và hình dáng của ngôi nhà. Vì nếu cửa quá lớn thì khí sẽ thoát ra ngoài một cách dễ dàng, trong khi đó cửa chính quá nhỏ sẽ hạn chế các luồng khí được đưa vào nhà.
Trường hợp nhà cũ đã mắc phải những bất lợi trên thì gia chủ phải tìm cách hoá giải, ví dụ cửa rộng có thể được khắc phục bằng cách treo một chiếc chuông gió bên ngoài cửa, chuông gió sẽ ngăn không cho những điềm xấu hay những nguồn năng lượng tiêu cực vào trong nhà, đồng thời phát tán năng lượng đi vào nhà một cách có hiệu quả. Cửa hẹp nên sửa chữa, mở rộng thêm. Cửa chính quá thấp cũng là điều tối kỵ, theo phong thuỷ đó sẽ là điềm báo gia đình suy bại, là điều nên tránh.
- Cửa trước và cửa hậu tránh đặt đối diện trực tiếp với nhau bởi như thế khi khí đi vào nhà sẽ lập tức thoát ra theo cửa hậu mà không có sự luân chuyển trong nhà. Trong trường hợp này bạn có thể đặt một chậu cây cao hay thiết kế tấm chắn giữa hai cửa để ngăn không cho khí đi theo đường thẳng thoát ra ngay khi vừa vào nhà.
- Cửa chính cũng không nên hướng thẳng về cây to hoặc khe núi. Cây to ở trước cửa chính sẽ mang khí âm vào trong nhà, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mọi người. Cũng nên tránh cửa chính nhìn vào trong ngõ cụt, bởi ngõ cụt thường tàng tụ âm khí. Thêm vào đó, nếu có khe núi đối diện cửa chính sẽ khiến cho người trong nhà một cảm giác bất an, có điều không may đang rình rập.
- Khu vực ngoài của cửa chính phải luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và sáng sủa, tạo cảm giác thoải mái và tiện lợi. Nếu không gian phía trước cửa chính hơi tối, nên có thể thiết kế thêm đèn chiếu sáng.
(*) Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!