“Của chồng công vợ”

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn về truyền thống văn hóa cổ xưa của người Việt, quan niệm về giá trị, quyền lợi và vai trò của người phụ nữ là rất phong phú và phức tạp.

Nhưng trên đại thể, chúng ta tự hào đó là một truyền thống tích cực, mang nhiều giá trị tốt đẹp. Những giá trị này không phải từ một lý thuyết xã hội nào mang đến mà do chính quá trình nghiệm sinh cộng đồng, hơn nữa do chính vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sinh tồn xã hội mang lại.
Thời kỳ quá xa xưa, khi cuộc phân công lao động lần thứ nhất trong xã hội loài người xuất hiện: Phân công theo giới tính: Nam săn bắt và hái lượm, nữ giữ bếp lửa, sinh con và duy trì thức ăn cho thị tộc. Chúng ta có thể nói rằng, từ 2.000 năm qua, xã hội mà Nhân dân chúng ta sinh tồn là một xã hội nông nghiệp lúa nước.
Người Kinh xa rừng nhạt biển. Họ sống với đồng bằng châu thổ các dòng sông và tiến dần lên vùng bán sơn địa. Đồng ruộng được khai khẩn, thuần thuộc và dần dần trở nên ngày càng nhỏ hẹp trước áp lực dân số. Cây lúa là lương thực chủ yếu bên cạnh một số cây hoa màu hoặc lương thực khác không đáng kể. Khí hậu nhiệt đới gió mùa phân mảnh thời gian một năm thành nhiều khoảng khác nhau cùng với thiên tai luôn luôn rình rập.
Canh tác lúa ngày càng đòi hỏi thâm canh để tạo ra năng suất cao, hiệu quả tốt để nuôi sống bản thân và cộng đồng. Làm lúa nước đòi hỏi kỹ năng khéo léo, đức tính cần cù, khả năng chịu đựng bền bỉ cũng như sự tinh tế trong suy nghĩ. Sự dẻo dai quý hơn là sức mạnh cơ bắp. Tất cả những điều đó người phụ nữ có đầy những phẩm chất mà nam giới không dễ gì có. Cây lúa trong bản chất tinh thần của nó, mang nữ tính một cách đậm đà.
Tát nước, san đất, nhổ mạ, cấy giắm, làm cỏ, bỏ phân, gặt hái… là công việc phụ nữ đảm nhận. Chưa hết, phơi phóng, đổ bồ, xay giã, dần sàng, nấu cơm, xay bột, làm bánh, xay xáo, nấu rượu, đi chợ trao đổi từ hạt thóc hạt gạo… đều là phụ nữ.
Mười phần việc thì dễ có 8 phần, hạt gạo qua tay người phụ nữ. Một xã hội mà “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” thì chỉ là người không có tâm hồn mới không khẳng định vai trò của người bà, người mẹ, người chị…trong cuộc sống. “Cha sinh mẹ dưỡng”, nó không chỉ đúng cái ngày bú mớm mà đúng trong suốt cả cuộc làm người.
Lê Trắc, đời Trần, trong sách An Nam chí lược viết rằng, đàn ông xứ ta đã nắng nóng lại còn uống nhiều rượu nên rất yếu ớt, uể oải. Xem thế ta thấy, người phụ nữ gánh trên vai an ninh lương thực cho cộng đồng quốc gia này.
Sách thánh hiền nói gì đi nữa về người quân tử thì trong thâm tâm họ, đặc biệt trong tâm thức cộng đồng, sự tôn trọng người phụ nữ, sự khẳng định công ơn của họ luôn luôn là mạch ngầm bất tận, tưới xanh tâm hồn mỗi một con người.
Sau làm ruộng là buôn bán, giao lưu kinh tế. Du ký của các nhà thực dân hoặc truyền giáo châu Âu đến vùng đất Đông Kinh trong thế kỷ XVIII - XIX còn ghi lại rằng đàn ông xứ này đã yếu lại lười, việc buôn bán xa gần, việc đặt hàng làm hàng, việc giao thiệp kinh tế đều là phụ nữ. Tóm lại là, có cái ăn, có cái ở, có cái mặc, có cái để… của một gia đình, nhờ cả vào vai trò người phụ nữ: người mà nhà nho quen gọi là “nội tướng” ngay cả khi họ chưa chắc đã xứng làm “ngoại tướng”.
Đất nước ta rất nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc và nội chiến kéo dài. Đàn ông đi đánh trận. Toàn bộ hậu cần duy trì cuộc sống, và cả duy trì cuộc chiến là công lao phụ nữ. Chưa kể, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, họ sẵn sàng hy sinh tính mạng để trả thù nhà, đền nợ nước. Trên cả ba phương diện tối quan trọng: Sinh kế của cộng đồng, giao thương kinh tế, bảo vệ quốc gia…người phụ nữ đã tự khẳng định vai trò và vị thế của mình.
Trong tâm hồn và ý thức cộng đồng Việt Nam, luôn luôn tuôn chảy trong chiều sâu thẳm của nó sự trân trọng và biết ơn người phụ nữ. Điều này lý giải vì sao, ngay sau cách mạng Tháng Tám, với việc ra đời chế độ mới, quyền của người phụ nữ lại được đồng thuận trong tuyệt đại đa số Nhân dân. Hiến pháp năm 1946 có quy định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”… “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”…
Chúng ta tiếp nhận nó không chỉ bằng lý thuyết mà bằng chính sự sâu lắng của tâm hồn truyền thống, của giá trị nhân văn ngàn năm. Phụ nữ được bầu cử, được thực hiện quyền đi học, quyền y tế, quyền tự do yêu đương, quyền định đoạt hạnh phúc. Quyền bình đẳng giới lúc đó được thực hành một cách tự nguyện cho tất cả mọi người.
So sánh với con đường khó khăn về nữ quyền mà các quốc gia nhiều nơi trên thế giới, đến nay vẫn đấu tranh quyết liệt để đạt từng bước một, thì ta thấy Việt Nam hầu như mọi người hiển nhiên coi đó là văn minh. Luật Bình đẳng giới được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII thông qua vào 2006 là một bước tiếp nối tất yếu và việc thực thi hầu như không có vướng mắc về quan niệm, quan điểm.
Với một truyền thống mang tính nhân văn cao về quyền và giá trị của người phụ nữ, chúng ta trên thực tế đã thực thi một cách thuận lợi. Tất nhiên, trong cuộc sống ngày nay, mọi chuyện không phải đã hoàn toàn viên mãn.
Thực chất nằm ở đạo đức ứng xử của từng con người hơn là ở các vận động ở cấp độ vĩ mô. Các tệ nạn như ứng xử thiếu tử tế, gia tăng bạo lực, bóc lột, lợi dụng, các sự phát triển phức tạp của kinh tế thị trường tạo nên nạn buôn phụ nữ, buôn bào thai, lừa đảo qua phương tiện truyền thông, cho vay nặng lãi gắn với phụ nữ… vẫn đang nhức nhối.
Hai yếu tố là đạo đức và pháp luật không được ý thức đầy đủ đã làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp về người phụ nữ trong lịch sử dân tộc. Một kinh nghiệm cá nhân là mỗi khi nóng giận hoặc bức xúc trong cuộc sống, trước mặt vợ, tôi luôn luôn tụng trong tâm khảm câu thành ngữ cổ xưa: “Của chồng công vợ”.