Hôm nay 30/1 (28 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), theo ghi nhận, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, hiện tại giá cua Cà Mau đang ở mức cao, thậm chí rất cao.
Theo đó, cua gạch Cà Mau mua tại vựa với số lượng lớn có giá 1,1 triệu đồng/kg: “Đây là mức giá cao nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây. Năm ngoái, giá cũng cao nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức 800.000 đồng/kg. Với mức giá hiện tại, để đến tay người tiêu dùng phải tầm 1,5 triệu đồng/kg cua gạch” – anh Nhân (ngụ huyện Năm Căn, Cà Mau) nói.
Phấn khởi vì giá cua tăng cao, anh Sơn (ngụ huyện Cái Nước, Cà Mau) cũng cho biết, chỉ vỏn vẹn trong 5 ngày gần đây, giá cua ở tỉnh này từ 550.000 đồng một kg tăng vọt lên 1,1 triệu đồng tại vuông (cua nuôi trong ao). Còn giá vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh lên tới 1,2 triệu đồng.
“Thông thường hàng năm vào dịp Tết, từ ngày 25 đến ngày 30 Tết giá cua Cà Mau sẽ tăng cao, dao động từ 500 - 700 nghìn đồng/kg. Năm nay, giá cua tăng cao, giá lẻ đối với cua gạch (dây không trọng lượng) lên đến 1,5 triệu đồng/ký, cua các loại cũng tăng theo từ 50 - 150 nghìn đồng/kg (bình quân từ 180 - 450 nghìn đồng/kg đối với cua tứ và cua y)” – anh Sơn chia sẻ.
Cũng theo anh Sơn, nguyên nhân đẩy giá cua tăng mạnh là do vào dịp tết nhu cầu mua cua biển làm quà biếu, thức ăn… tăng cao. Đồng quan điểm, nhiều thương lái ở TP Hồ Chí Minh cũng xác nhận, sở dĩ giá cua Cà Mau tăng những ngày gần đây là do sức mua tăng.
“Ngoài ra, thời gian qua do dịch bệnh cua nuôi bị chết với số lượng lớn nên hiện cua trở nên hiếm hàng" – chị Hương, tiểu thương bán hải sản ở chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP Hồ Chí Minh) nói thêm. Đặc biệt, chị Hương nhận định, giá cua Cà Mau có thể tăng mạnh cho đến qua Tết Nguyên Đán 2022, nhưng sau đó sẽ giảm về lại giá cũ.
Được biết, Cà Mau có hàng chục ngàn ha diện tích nuôi cua, chủ yếu nuôi kết hợp với tôm dưới tán rừng, nuôi cua kết hợp tôm tại các mô hình tôm - cua - cá kết hợp thuộc các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Trần Văn Thời.