Gia đình chị Lan cần mua một chiếc quạt máy thay cho chiếc cũ vừa hỏng, nên tìm đến một trung tâm điện máy lớn gần nhà ở quận 9. Sau một hồi tìm kiếm, chị đành bỏ cuộc vì nơi đây chỉ bán quạt hơi nước giá từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng không có loại tầm 500.000 đồng trở lại như nhu cầu. Trên đường về ngang nhà, chị tạt vào một cửa hàng bán đồ điện máy nhỏ và thấy ở đây có hàng chục loại quạt khác nhau, giá từ 250.000 đến 500.000 đồng.
Nhu cầu thiết yếu của chị Lan là một trong những nguyên nhân giúp cho các siêu thị, cửa hàng điện máy nhỏ lẻ ở TP.HCM tồn tại bao lâu nay như điện máy Tự Do (quận Bình Thạnh, TP.HCM) hay các cửa hàng điện máy ở khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng - Hồ Tùng Mậu, Dân Sinh (quận 1), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Nhật Tảo (quận 10)..., bất chấp nhiều trung tâm điện máy lớn ồ ạt mọc lên.
Chị Hằng, một khách hàng thường xuyên mua hàng tại siêu thị điện máy Tự Do cho biết, mặc dù cửa hàng không đa dạng các sản phẩm điện máy nhưng lại bán những vật dụng mà gia đình chị cần. "Nếu tôi muốn mua một cái đèn pin cầm tay hay chiếc quạt mini để bàn thì không cần phải đi đâu xa vì các siêu thị điện máy nhỏ gần nhà luôn có sẵn và giá rẻ, còn các trung tâm điện máy lớn khó mà tìm được các mặt hàng kiểu như này", chị Hằng chia sẻ.
Khác đôi chút với chị Hằng, anh Quỳnh ở quận Tân Bình cho hay, thay vì lựa chọn các cửa hàng điện máy lớn để mua sản phẩm thì anh lại chọn các cửa hàng nhỏ vì nơi đây hợp với túi tiền của anh "Ngoài ra, tôi có thói quen mua các sản phẩm còn lại duy nhất của cửa hàng nên giá thường được giảm 20-40% (tùy hàng). Chỉ cần xem kỹ các chi tiết cấu tạo máy là mình có thể sở hữu sản phẩm chất lượng mà giá thấp", anh Quỳnh tâm sự và cho biết thêm, để trang bị máy lạnh cho các phòng karaoke của quán, anh lựa chọn mua loại máy lạnh cũ nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Các sản phẩm này chỉ có thể tìm được ở những cửa hàng điện máy nhỏ.
Khảo sát tại cửa hàng trên cho thấy, đa phần mặt hàng tại đây là những vật dụng thiết yếu trong gia đình từ những đồ gia dụng nhỏ như đèn pin, ổ điện, bình đựng nước, quạt mini, máy lọc nước, máy giặt, TV loại nhỏ, thậm chí còn có cả ấm nước, chén ăn...
Đáng chú ý, các sản phẩm ở đây khá rẻ, có những sản phẩm chỉ vài chục nghìn đồng. Nếu tại các cửa hàng điện máy lớn, nhiều sản phẩm cùng loại có giá cả triệu đồng thì tại đây sản phẩm chỉ ở mức vài trăm nghìn. Chẳng hạn như máy lọc nước, thương hiệu Việt giá chỉ hơn 200.000 đồng, trong khi tại các siêu thị điện máy lớn, giá thấp nhất là 500.000 đồng một chiếc.
Theo các chủ cửa hàng, lý do họ bán với giá rẻ vì lấy được sản phẩm giá gốc. Thêm vào đó, nếu các cửa hàng lớn thuê nhiều nhân viên để tư vấn thì các siêu thị, cửa hàng này chỉ có khoảng 2-5 nhân viên (cả bảo vệ) với mức khá thấp.
Một nhân viên từng làm việc tại điện máy Tự Do cho biết, mức lương cho nhân viên chỉ dao động 1,5-3 triệu đồng. Vì mức lương quá thấp nên chỉ làm được vài tháng, thậm chí hơn tháng là họ nghỉ việc. Mặt bằng thuê cũng không quá cao. Thay vì phải bỏ ra khá nhiều chi phí cho quảng cáo trên các phương tiện truyền thông thì chủ chỉ chọn giảm giá cho sản phẩm. Với cách bán hàng này, người tiêu dùng sẽ được lợi do giá bán được giảm xuống mức thấp mà vẫn được mua hàng chính hãng, có giấy bảo hành.
Đặc biệt, các cửa hàng này áp dụng triệt để mô hình kiểu cửa hàng tiện lợi, chuyên bán các vật dụng điện tử nhỏ, thiết yếu cho gia đình, giá chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Thậm chí, có những nơi còn bán thêm sản phẩm điện tử cũ, giá chỉ bằng một phần ba hoặc một nửa so với sản phẩm mới.
Đánh giá tình hình trên, một chuyên gia bán lẻ ở TP HCM nhìn nhận, thực tế thị trường điện máy đã có sự chuyển dịch và phân hóa mạnh. Đa phần người tiêu dùng chọn mua hàng ở những trung tâm điện máy có thương hiệu lớn, không gian mua sắm mát mẻ, được chăm sóc, dịch vụ hậu mãi tốt… Thế nhưng, vẫn có một bộ phận nhỏ khách hàng chọn cửa hàng điện máy truyền thống có những sản phẩm họ cần mà các cửa hàng điện máy lớn không đáp ứng, và giá cả thì phù hợp với túi tiền.
Tuy nhiên, vì nguồn vốn ít cộng với việc luân chuyển hàng hóa chậm dẫn tới lượng hàng tồn nhiều, nên sản phẩm cùng một chủng loại thiếu đa dạng. Người tiêu dùng cần xem xét kỹ về chất lượng, tránh mua phải những sản phẩm cũ.
Đồng quan điểm với chuyên gia trên, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cũng cho rằng, việc các cửa hàng nhỏ lẻ sống được là nhờ có phân khúc khách hàng riêng. Mặt khác, nếu ở các siêu thị lớn, giá bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng sẽ bao gồm giá vốn, cộng thêm chi phí quản lý, thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng, chi phí quảng cáo…, thì cửa hàng nhỏ lẻ thuê mặt bằng rẻ, thậm chí là đất của chính gia đình, cộng với nhân sự ít, và chi phí quảng bá hầu như không có.
“Trước đó, một siêu thị điện máy nhỏ ở quận Bình Thạnh có đề nghị cho chúng tôi thuê lại mặt bằng của họ. Tôi cùng khá bất ngờ vì giá mặt bằng đó chỉ chiếm một phần nhỏ so với chi phí chúng tôi bỏ ra cho những mặt bằng đang kinh doanh. Thế nhưng, chúng tôi không chấp nhận đề nghị thuê lại vì tiêu chí lựa chọn vị trí kinh doanh cũng như đối tượng kinh doanh tại đó không phù hợp với mô hình của công ty”, ông Tài giải thích.
Ở một khía cạnh khác, ông Tài cho hay, mô hình cửa hàng nhỏ lẻ kiểu truyền thống sẽ khó mất đi nhưng nếu không chịu thay đổi thì lợi nhuận còn sót lại từ các mô hình truyền thống sẽ dần dần “teo” lại.
Các cửa hàng điện máy nhỏ thường có lượng nhân viên rất ít, bán đa dạng sản phẩm với giá thấp.
|