Trong dự báo của các tổ chức, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng thì tăng trưởng GDP của Việt Nam đang ở mức tăng trưởng khá trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 từ 6,5% trước đó xuống còn 4,9%. Theo đó, du lịch, chế tạo và chế biến là những ngành chịu tác động tiêu cực nhất do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Báo cáo này cũng dự báo áp lực lạm phát sẽ tăng cùng với tỷ lệ hộ nghèo trong nửa đầu năm 2020. Vị thế kinh tế đối ngoại sẽ xấu đi trong năm 2020, bội chi ngân sách cũng tạm thời tăng lên.
Sản xuất cánh tà máy bay tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng |
Tuy vậy, so với dự báo các nước trong Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương của WB, kinh tế Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước tăng trưởng cao. Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển trong khu vực được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ chỉ còn 2,1% và theo kịch bản tình huống thấp sẽ giảm tới mức âm 0,5% cho năm 2020, so với mức dự báo 5,8% vào năm 2019. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống 2,3% ở kịch bản cơ bản, và 0,1% trong kịch bản tồi tệ vào năm 2020.
Trước đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định, tác động toàn cầu của dịch Covid - 19 sẽ khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại từ 77 - 347 tỷ USD tương đương 0,1 - 0,4% GDP. Về tổn thất trên khắp khu vực ASEAN, ADB đánh giá, Thái Lan sẽ mất 5,6 tỷ USD (tương đương 1,11% GDP), Singapore hơn 1 tỷ USD (0,57% GDP), Lào được dự báo tổn thất 39,27 triệu USD (0,22% GDP). Việt Nam sẽ mất khoảng 0,41% GDP, tương đương mức 1,013 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ vận chuyển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất với 457 triệu USD.
Thực tế cho thấy, quý I, dù GDP Việt Nam tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước nhưng là kết quả tích cực so với những nền kinh tế lớn đang chứng kiến tình trạng tăng trưởng chậm hoặc suy giảm tốc độ. Singapore công bố GDP quý I/2020 đạt âm 2,2% so với quý I/2019.
Theo Viện nghiên cứu cơ bản Nissei, GDP, quý I/2020 của Nhật Bản tăng trưởng âm 1%, tính theo tỷ suất năm. Dịch Covid-19 được cho rằng không chỉ tác động đến du lịch và còn có thể làm khó khăn hơn cho khả năng hồi phục của lĩnh vực tiêu dùng của nước này. Với Hàn Quốc kinh tế tăng trưởng 2% trong năm ngoái, mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, nhưng chưa tính tới các tác động từ dịch Covid-19.
Ngân hàng thương mại Siam (SCB) của Thái Lan đã dự báo nền kinh tế nước này sẽ suy giảm mạnh trong giai đoạn nửa đầu năm 2020. IMF dự báo GDP của Trung Quốc giảm từ 0,5 - 1 điểm phần trăm trong năm 2020; riêng trong quý I có thể giảm 2 điểm phần trăm.
Việt Nam có thể làm tốt hơn
“Tác động ngắn hạn đến nền kinh tế Việt Nam có thể lớn nhưng không kéo dài nếu như dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng, tương tự các đợt dịch bệnh trước đây” - WB khuyến nghị. Trong những ngày qua, nhiều hãng thông tấn quốc tế đã đăng tải, ghi nhận các biện pháp của Việt Nam nhằm ngăn chặn dịch Covid - 19. Các đại sứ Anh, Mỹ… đã ca ngợi Chính phủ Việt Nam “rất xuất sắc khi đương đầu với đại dịch và vẫn đang tiếp tục chủ động, hợp tác và minh bạch trong việc chống dịch”.
Về các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng, WB đề xuất cho Việt Nam chính là tuân thủ theo các Hiệp định thương mại thế hệ mới (EFVTA, CPTPP...). Đồng thời, Chính phủ phải có những biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ. Các giải pháp, thứ nhất: Hỗ trợ cho DN và người dân như giãn, hoãn nộp thuế, hỗ trợ trả nợ, gói hỗ trợ cho người mất việc làm… Thứ hai, tái khởi động hoạt động kinh tế với các gói kích thích khi đã qua giai đoạn khủng hoảng
. Ví dụ như đẩy nhanh triển khai giải ngân các dự án đầu tư công hiện có, kích thích nhu cầu đầu tư của tư nhân trong ngành du lịch, dịch vụ... Thứ ba: Số hóa, hiện đại hóa nền kinh tế bằng cách phát triển những dịch vụ như học tập trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Qua đó đẩy mạnh Chính phủ điện tử để các thủ tục hành chính có thể tiến hành nhanh gọn, thuận tiện qua internet. Thứ tư: Chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế bởi dịch bệnh có thể tái diễn.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, chủ động, linh hoạt; giữ ổn định thị trường ngoại hối, giảm lãi suất, kiểm soát lạm phát, khơi thông các động lực cho tăng trưởng; thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Sớm ban hành các giải pháp, chính sách về miễn, giảm tất cả các loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế...
Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN, người dân. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh kinh tế số… Nhanh chóng hoàn thiện ban hành Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 gây ra.
Nhóm WB đang triển khai gói tài chính toàn cầu thủ tục nhanh trị giá 14 tỷ USD nhằm tăng cường ứng phó Covid-19 và rút ngắn thời gian phục hồi, trong đó Việt Nam có thể tiếp cận 50 triệu USD. Còn ADB cũng thông báo, sẵn sàng hỗ trợ tài chính kịp thời và linh hoạt cho Chính phủ Việt Nam để ứng phó với dịch Covid-19. |