Kinhtedothi - Thời gian này, các trường ĐH, CĐ bắt đầu báo cáo phương thức tuyển sinh chính thức cho mùa tuyển sinh 2015 về Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, với những dự kiến trước mắt, đã có thể khẳng định, cánh cửa vào ĐH năm nay đang rộng mở cho các sĩ tử lựa chọn và quyết định.
Băn khoăn về dựa vào kết quả học tập
Năm nay, nhiều trường đưa ra đề án xét tuyển với 2 phương thức dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét kết quả học tập 3 năm học THPT. Có trường lại chỉ căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 THPT, bổ túc THPT. Song, đa số những trường đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép tự chủ trong tuyển sinh đều áp dụng 2 hình thức xét tuyển, điển hình là ĐH Lương Thế Vinh, Phương Đông, CĐ Cộng đồng Hà Nội… Tất nhiên, các trường này đều đưa mức điểm trung bình tối thiểu của 3 môn học tương ứng với khối xét tuyển để đảm bảo chất lượng đầu vào theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Nhưng với việc không quá khó để thay đổi điểm số trong học bạ, người ta không thể không băn khoăn trước việc lấy kết quả học tập để xét tuyển sinh. Chuyện tương tự đã từng xảy ra, năm trước, Bộ GD&ĐT cho phép học sinh giỏi được tuyển thẳng vào ĐH thì năm sau, số lượng học sinh giỏi ở các trường tăng đột biến.
Chia sẻ quan điểm về việc các trường dựa vào kết quả học tập THPT để xét tuyển vào ĐH, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, đây là cách làm thông thường ở nhiều nước. Cốt yếu là họ định ra tiêu chí tối thiểu ra sao. Khi các trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập của 3 năm học THPT, xác suất sẽ cao hơn lấy kết quả của năm lớp 12. Khi trường đưa ra tiêu chí tối thiểu là học lực trung bình, thì nên lấy điểm từ cao xuống đến đủ chỉ tiêu. Vấn đề ông Nhĩ đặt ra là các trường phổ thông phải quán triệt giáo viên đánh giá, cho điểm học sinh một cách chính xác.
Nhiều cơ hội cho thí sinh
Năm nay, bên cạnh một số trường top đầu dự kiến đưa ra điều kiện sơ tuyển đầu vào bằng kết quả học tập của 3 năm học THPT (ĐH Bách khoa Hà Nội, Ngoại thương, Học viện Ngân hàng…), nhiều trường khác cũng nới rộng cánh cửa đầu vào. Việc này mang lại nhiều cơ hội cho thí sinh, tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại chất lượng đầu vào sẽ không bằng những trường có sơ tuyển. Phản biện vấn đề này, PGS Lê Hữu Lập - Phụ trách thông tin tuyên truyền, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: “Chúng tôi không xét học bạ vì chưa tin tưởng vào kết quả học tập ở bậc phổ thông. Học viện cứ lấy số đông để chọn ra các thí sinh có điểm cao, chất lượng cũng ngang với các trường xét cả điểm 3 năm THPT. Sơ tuyển như ĐH Bách khoa Hà Nội năm trước là tự nhiên loại đi nhiều cơ hội của các em. Trong tuyển sinh, càng nhiều thí sinh đăng ký càng tốt, mình có nhiều dữ liệu xét tuyển đầu vào chất lượng”.
Ông Lập có lý khi hiện nay có trường ĐH đang dự kiến sẽ sơ tuyển đầu vào bằng xét điểm trung bình các môn học của 3 năm học THPT. Bởi như vậy vô tình đã hạn chế các đối tượng, trong khi việc tuyển sinh đang ngày càng nhiều cạnh tranh, kể cả với các trường có thương hiệu. TS Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Tôi đang băn khoăn về điều kiện sơ tuyển của Học viện yêu cầu điểm trung bình 6,5 tất cả các môn trong 3 năm học. Đây là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để xét tuyển là điểm tổ hợp của 3 môn thi. Thế nhưng, nếu các em không đạt điều kiện cần đó, thì dù 3 môn thi xét tuyển sinh theo tổ hợp đạt 30 điểm cũng không trúng. Các em học trường chuyên thường không học toàn diện nên kết quả điểm những môn phụ sẽ không cao. Bởi vậy, đưa ra điều kiện mức điểm đồng thời 6,5 là cao, nên tôi sẽ đề nghị Giám đốc không đưa ra điều kiện sơ tuyển nữa”.
Vậy là cửa vào ĐH đang rộng mở trong mùa tuyển sinh năm nay, và việc “nới rộng” cánh cửa đầu vào này đã được nhiều trường khẳng định là không ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào.
![]() Với những phương thức tuyển sinh mới sẽ giúp học sinh có nhiều lựa chọn hơn. Ảnh: Chiến Công
|
“Tôi ủng hộ việc xét tuyển dựa vào kết quả 3 năm, nhưng đó chỉ là sơ tuyển, điều kiện ban đầu. Muốn có sản phẩm tốt, trường phải tổ chức làm bài kiểm tra các môn theo khối thi, yêu cầu từng ngành, nghề đào tạo. Khi đó, em nào được trường phổ thông ưu ái cho điểm cao sẽ “lộ tẩy” và “văng” ra khỏi cuộc chơi. Tôi tin, với cách làm nhẹ nhàng và phù hợp với thông lệ quốc tế, các trường sẽ chọn được nguyên liệu đầu vào đảm bảo chất lượng tối thiểu”.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ
|