Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cục Thuế TP Hà Nội: Quyết liệt thu nợ, ưu tiên gỡ khó cho doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 đợt công khai danh sách DN nợ thuế, quý I/2016, Cục Thuế TP Hà Nội đã thu hơn 3.200 tỷ đồng nợ thuế.

Đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN là ưu tiên được cơ quan này đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, với các DN chây ì, dây dưa thực hiện nghĩa vụ thuế, các giải pháp mạnh như công khai tên DN nợ thuế, cưỡng chế hóa đơn… là giải pháp cần thiết để đảm bảo sự công bằng của pháp luật.

Nhiều doanh nghiệp dây dưa nợ thuế

Cục Thuế TP Hà Nội vừa công bố danh sách 119 đơn vị nợ thuế, với tổng số tiền 204,4 tỷ đồng. Trong đó, có 109 DN nợ thuế, phí hơn 162 tỷ đồng và 10 DN nợ tiền thuê đất 42 tỷ đồng. Đây là lần thứ tư kể từ đầu năm, Cục Thuế TP Hà Nội công bố danh sách các DN nợ thuế.

Trong danh sách DN nợ thuế bị nêu tên lần này, DN hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, kinh doanh thương mại chiếm phần lớn. DN nợ thuế nhiều nhất bị nêu tên lần này là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hồng Hà với số tiền lên tới gần 21 tỷ đồng. Công ty TNHH Ngân Giang nợ hơn 11,5 tỷ đồng tiền thuê đất; Công ty CP Đầu tư xây dựng tư vấn thiết kế Constrexim nợ hơn 10,7 tỷ đồng tiền thuế, phí; Công ty CP Cầu 7 Thăng Long nợ hơn 6,5 tỷ đồng tiền thuê đất... Đây đều là những tên tuổi một thời nổi đình đám trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Nhưng, hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn đã đưa những DN này lên đầu bảng xếp hạng DN nợ thuế.
Giải quyết thủ tục thuế cho doanh nghiệp tại Cục Thuế Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Giải quyết thủ tục thuế cho doanh nghiệp tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Bên cạnh những DN thực sự khó khăn, không ít DN có nguồn tài chính, đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước nhưng cố tình chây ì. Với những DN này, cơ quan thuế đã thực hiện các giải pháp cưỡng chế hóa đơn…

Ông Lê Quang Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Đống Đa cho biết, việc thu hồi nợ đọng thuế rất khó khăn nếu chỉ giao cho cơ quan thuế thực hiện. Rất nhiều công ty dây dưa nợ thuế. Mặc dù đã áp dụng những giải pháp quyết liệt, song nợ thuế thu hồi của Chi cục Thuế quận Đống Đa 3 tháng đầu năm mới đạt gần 149 tỷ đồng, tương đương 13% số nợ thuế phải thu trong năm 2016. Đơn cử, trường hợp Công ty CP Đầu tư và Hợp tác xây dựng Đất Việt nợ thuế hơn 10 tỷ đồng đã được đưa vào danh sách công bố nợ đợt 2 năm 2016 nhưng đến thời điểm này, DN vẫn chưa trả được tiền nợ thuế nên tiếp tục bị chuyển sang giai đoạn cưỡng chế hóa đơn. Theo ông Hùng, sau các đợt công bố, đã có 11 DN bị phong tỏa tài khoản, cưỡng chế hóa đơn.

Hợp tác cùng thu nợ
Năm 2015, Cục Thuế TP Hà Nội đã thu nợ được 9.758 tỷ đồng. Quý I/2016, sau 3 đợt công khai 405 đơn vị nợ 1.069,1 tỷ đồng tiền thuế, phí, đến ngày 31/3/2016 đã có 235/405 đơn vị công khai nộp 65,6 tỷ đồng tiền nợ thuế vào ngân sách.

Bên cạnh việc thực hiện đúng và đầy đủ quy trình quản lý nợ thuế, Cục Thuế TP Hà Nội luôn lắng nghe và thu thập thông tin từ người nộp thuế, đảm bảo có sự nắm bắt và chia sẻ những khó khăn của người nộp thuế. Không chỉ triển khai hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ gia hạn nợ, xóa nợ thuế, không tính tiền chậm nộp theo quy định và giải quyết hồ sơ kịp thời, Cục Thuế TP Hà Nội còn kiến nghị cơ quan thuế cấp trên nhằm giải quyết khó khăn cho người nộp thuế. Các giải pháp cụ thể là trình Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế việc cho phép xuất hóa đơn bán lẻ đối với đơn vị bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn, về việc giải quyết không tính tiền chậm nộp với các đơn vị thi công công trình vốn ngân sách Nhà nước nhưng là nhà thầu phụ... và đã được Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế ban hành văn bản để giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Để đôn đốc thu hồi nợ và giảm nợ mới phát sinh, Cục Thuế TP Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc thu nộp ngân sách Nhà nước năm 2015 tại Văn phòng Cục và 30 chi cục thuế các quận, huyện, thị xã do đồng chí Cục trưởng hoặc chi cục trưởng làm trưởng ban để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thu ngân sách, thu nợ. Đồng thời, lãnh đạo cơ quan thuế còn trực tiếp đến đôn đốc tại trụ sở DN nợ thuế để thu các khoản nợ vào ngân sách Nhà nước.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật thuế

Cùng với các biện pháp hành chính, Cục Thuế TP Hà Nội luôn chú trọng công tác tuyên truyền hỗ trợ nhằm nâng cao sự hiểu biết của người nộp thuế, đồng thời hướng tới sự tuân thủ tự nguyện pháp luật về thuế. Các trường hợp mặc dù đã được cơ quan thuế hướng dẫn, hỗ trợ nhưng vẫn tiếp tục chây ì nợ tiền thuế, Cục Thuế kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế quyết liệt hơn.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan cùng tháo gỡ cũng là một giải pháp được cơ quan thuế Hà Nội đặc biệt quan tâm. Đại diện Chi cục Thuế quận Đống Đa cho biết, Chi cục đã đề xuất UBND quận Đống Đa thành lập đoàn liên ngành, gồm các cơ quan hành pháp của quận, đồng thời gắn trách nhiệm của UBND phường trong cưỡng chế, thu hồi nợ đọng. "Khi các cơ quan cùng đồng hành với ngành thuế thì nhiệm vụ khó khăn này mới được giải quyết hiệu quả" – vị đại diện này chia sẻ.
Công khai để cảnh báo
Cục Thuế TP Hà Nội: Quyết liệt thu nợ, ưu tiên gỡ khó cho doanh nghiệp - Ảnh 1Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, việc công khai danh sách DN nợ thuế không chỉ có tác động trực tiếp với DN nợ thuế mà còn là lời cảnh báo với các DN nợ khác.
Tìm hiểu phân tích nguyên nhân DN nợ thuế là một trong những giải pháp để đưa ra các phương pháp xử lý, thu hồi nợ hiệu quả. Qua phân tích, Cục Thuế Hà Nội đánh giá thế nào về các nguyên nhân nợ thuế của DN?
- Qua phân tích, đánh giá các dữ liệu, cơ quan thuế sẽ phân chia thành từng nhóm nợ để có cơ sở dữ liệu chi tiết về tình hình sản xuất, kinh doanh, dòng tiền của DN, từ đó đưa ra biện pháp thu hồi hiệu quả. Theo đó, có những DN thực sự khó khăn và có những DN có dòng tiền nhưng chây ì nộp thuế.
Với những DN có khó khăn thực sự, chúng tôi sẽ tìm hiểu vướng mắc cụ thể là gì và làm thế nào để giải quyết những vướng mắc đó. Với những vấn đề trong thẩm quyền Cục Thuế Hà Nội, chúng tôi sẽ tháo gỡ, hỗ trợ DN theo các quy định của pháp luật. Với những vấn đề vượt ngoài thẩm quyền, cơ quan thuế sẽ đề xuất, phối hợp để tìm hướng giải quyết. Đơn cử, các khoản thu về đất, cần sự vào cuộc của UBND quận, huyện và các ngành để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư. Khi vướng mắc được tháo gỡ, chắc chắn DN sẽ tích cực phát triển sản xuất để đóng góp vào ngân sách.
Còn với những DN cố tình chây ì, ngành thuế sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn như: cưỡng chế hóa đơn, công khai số tiền nợ thuế...
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc công khai tên các DN nợ thuế trên các phương tiện truyền thông?
- Việc công khai danh sách DN nợ thuế không chỉ có tác động trực tiếp không chỉ với đơn vị nợ thuế mà còn là cảnh báo với các đơn vị nợ khác.
Tôi nhấn mạnh rằng, cơ quan thuế luôn ưu tiên các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, với những DN chây ì, chúng tôi sẽ có các giải pháp quyết liệt để thu nợ. Đây là giải pháp cần thiết, bảo đảm sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!