Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cục thuế TP Hà Nội: Rốt ráo thu hồi nợ đọng thuế

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến hết tháng 10/2016, ngành thuế Hà Nội đã thu được gần 10.000 tỷ đồng nợ thuế.

Điều này thể hiện sự quyết liệt trong công tác thu nợ của Cục Thuế TP Hà Nội. Thời gian tới, thu hồi nợ đọng thuế vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cơ quan thuế TP đặc biệt quan tâm để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016.
Nợ thuế vẫn nóng
Giữa tháng 11, Cục thuế TP Hà Nội đã tiếp tục công khai danh sách 156 DN nợ thuế, phí và tiền thuê đất với tổng số tiền nợ hơn 150 tỷ đồng. Trong đó, có 143 DN nợ thuế, phí hơn 121,9 tỷ đồng và 13 đơn vị nợ tiền thuê đất hơn 28,3 tỷ đồng. Đứng đầu trong số các DN nợ thuế, phí lần này là Licogi 13 với số tiền lên tới hơn 21 tỷ đồng. Nhà máy may xuất khẩu Hà Phú, Công ty CP Khoáng sản và đầu tư Vinashin và Công ty CP Nguyên Liệu Viglacera có số tiền nợ thuế lần lượt là 6,116 tỷ đồng, 5,883 tỷ đồng và 5,207 tỷ đồng. Đối với khoản thuế đất, nợ nhiều nhất là Công ty CP Đóng tàu Hà Nội với 10,7 tỷ đồng, Công ty CP Lâm Sản Forprodex đứng tiếp theo với 6,121 tỷ đồng và kế đó là Công ty CP Viglacera Từ Liêm - Chi nhánh Viglacera Bình Minh với 4,651 tỷ đồng.
 Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
10 tháng năm 2016, Cục Thuế TP Hà Nội đã đăng công khai 10 đợt với 1.413 DN và dự án nợ tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất với số nợ thuế tương ứng là 2.400.660 triệu đồng. Kết quả sau công khai, đã có 697/1.413 DN nộp số tiền thuế nợ là 385.041 triệu đồng vào ngân sách Nhà nước.
Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho hay, công tác quản lý nợ luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước hàng năm trên địa bàn. Đơn vị đã chỉ đạo 30/30 chi cục thuế thành lập Ban chỉ đạo thu hồi nợ đọng nhằm thu hồi tiền nợ thuế nộp ngân sách Nhà nước. Song bên cạnh những DN chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế, vẫn còn một số DN chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định dẫn đến nợ thuế kéo dài.
Để bảo đảm tính công bằng trong cộng đồng người nộp thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như công khai trên trang web của Cục danh sách các đơn vị nợ thuế. Qua các biện pháp triển khai quyết liệt về thu hồi nợ đọng, trong 10 tháng năm 2016, tổng số tiền nợ thuế đã thu được của toàn ngành thuế Hà Nội là 9.964 tỷ đồng.
Tiếp tục “để mắt” các DN rủi ro cao về thuế
Để tăng cường thu hồi nợ đọng, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 6268/UBND-BCĐ yêu cầu các sở, ban, ngành TP, các quận, huyện… tăng cường đôn đốc thu hồi nợ đọng tiền thuế, tiền nợ liên quan đến đất trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Cục Thuế TP cần tăng cường các biện pháp thu hồi nợ đọng, rà soát số liệu nợ và phân loại chính xác, kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận với người nộp thuế, góp phần tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước. Cơ quan thuế cần rà soát, phân tích tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để trực tiếp đôn đốc hoặc tham mưu Ban chỉ đạo có kế hoạch làm việc và đôn đốc thu hồi nợ thuế trực tiếp tại một số DN nợ trọng điểm. Các đơn vị có liên quan đánh giá kết quả công tác đôn đốc, thu hồi nợ đọng từng tháng để đề xuất biện pháp quyết liệt thu hồi nợ.
Đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt công tác đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế. Đến ngày 15/11, biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với 100% đối tượng phải cưỡng chế nợ theo quy định đã được cơ quan thuế thực hiện. Đặc biệt, cơ quan thuế sẽ chú trọng việc kiểm soát, phân loại DN có rủi ro cao về thuế, thực hiện kiểm tra sau hoàn đối với 100% lệnh hoàn thuế ngay trong tháng 12, không để tồn đọng hồ sơ. Thực hiện đôn đốc các DN nộp ngay số thuế theo kiến nghị tăng thu của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, đồng thời áp dụng kịp thời các biện pháp cưỡng chế nợ đọng thuế theo đúng quy định.
Tổng cục Thuế vừa có công văn gửi cục thuế các địa phương, yêu cầu kiểm tra các hộ, cá nhân, tổ chức kinh doanh về việc bán, cấp hóa đơn bán lẻ để ngăn chặn tình trạng mua, bán hóa đơn bất hợp pháp. Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế phải nắm bắt toàn diện tình hình và danh sách có rủi ro cao về việc bán, cấp hóa đơn lẻ trên địa bàn quản lý thông qua việc tổng hợp, báo cáo từ các chi cục thuế. Qua công tác này để rà soát, đối chiếu để xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định.