Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê, huyện Đông Anh: Doanh nghiệp ngang nhiên xả thải trái phép

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có trạm xử lý nước thải tập trung, nhưng một số DN hiện đang hoạt động tại Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê (huyện Đông Anh) lại không chấp hành việc đấu nối, ngang nhiên xả thải vào hệ thống thoát nước mặt dẫn vào đầm Nguyên Khê và đổ ra sông Cà Lồ.

 Trạm xử lý nước thải tập trung của Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê
Bất chấp quy định Nhà nước

Khảo sát tại điểm cuối nguồn xả thải của cụm công nghiệp, tình trạng ô nhiễm đang diễn ra rất nghiêm trọng. Nước thải có màu đen, mùi khó chịu. Nhiều người dân sống xung quanh đầm Nguyên Khê phản ánh, so với khoảng 1,5 năm trước, khi chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, tình trạng ô nhiễm môi trường nước có giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng nước thải gây ô nhiễm đầm Nguyên Khê lại tái diễn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân khu vực lân cận.

Nguyên nhân được cơ quan chức năng huyện Đông Anh xác định là do nhiều DN hoạt động trong cụm công nghiệp không thực hiện đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung. Thay vào đó, họ xả trộm nước thải vào hệ thống tiêu thoát nước mặt chung dẫn vào đầm Nguyên Khê.

Theo tìm hiểu, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê đi vào hoạt động khoảng 10 năm trở lại đây. Hiện, tại cụm công nghiệp có khoảng 34 DN đang hoạt động. Để bảo đảm môi trường trong cụm công nghiệp, trạm xử lý nước thải tập trung với công suất 1.000m3/ngày đêm đã được xây dựng. Theo quy định tại Thông tư số 31/2016/BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ TN&MT về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tất cả các DN hoạt động trong các cụm công nghiệp phải tiến hành đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung.

Tuy nhiên, qua xác minh, hiện vẫn còn ít nhất 5 DN không chấp hành quy định tại Thông tư số 31 gồm: Công ty TNHH Vật tư thiết bị Tuấn Long, Công ty CP Sản xuất và cung ứng vật tư Hà Nội, Hợp tác xã Bình Minh, Công ty CP Sản xuất và xây dựng Hưng Phúc, Công ty CP Đầu tư và xây dựng 579.

Có thể thanh tra toàn diện cụm công nghiệp

Theo ông Tô Văn Chinh - Phụ trách quản lý trạm xử lý nước thải tập trung, nguyên nhân các DN đưa ra để không ký hợp đồng đầu nối là do mức thu của đơn vị quản lý vận hành trạm... quá cao. Tuy nhiên, mức thu 4 triệu đồng/tháng đối với DN có lưu lượng xả thải nhỏ hơn 10m3/ngày đêm đã được tính toán kỹ căn cứ trên suất đầu tư. Cũng theo đánh giá của Phòng TN&MT huyện Đông Anh, mức giá này tương đồng với mức thu phí xử lý nước thải tại hầu hết các khu, cụm công nghiệp hiện nay.

Chuyên viên phòng TN&MT huyện Đông Anh Nghiêm Thọ Thoan cho biết, trước tình trạng một số DN không chấp hành việc đấu nối mà xả thải trực tiếp vào hệ thống tiêu thoát nước mặt, địa phương đã có văn bản đình chỉ xả thải. Đơn vị chức năng thậm chí còn bịt đường tiêu thoát nước từ các DN ra hệ thống tiếp nhận nước mặt chung. Tuy nhiên, vị trí bị chặn này sau vài ngày… lại bị phá.

Trong văn bản mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh đã đề nghị đơn vị quản lý cụm công nghiệp phải thực hiện xử lý triệt để nước thải sau thu gom. Nếu tình trạng nước thải ô nhiễm chảy vào đầm Nguyên Khê vẫn tiếp diễn, không loại trừ khả năng huyện sẽ báo cáo UBND TP Hà Nội cho thanh tra toàn bộ hoạt động của cụm công nghiệp để xử lý theo quy định.

Trong một động thái cứng rắn khác nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, ông Nguyễn Xuân Linh cũng đã chỉ đạo Công an huyện Đông Anh triển khai các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương điều tra, xác minh, ngăn chặn những đối tượng cố tình xả thải trái phép vào hệ thống thoát nước chung của Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê. Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm.