Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cung cấp nước sạch tại Hà Nội: Chớm nắng đã “nóng”

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2023, tổng mức tiêu thụ nước sạch tại Hà Nội dự kiến dao động từ 1.250.000 - 1.350.000m3/ngày, đêm – nằm trong khả năng cung cấp (1.530.000m3/ngày, đêm) của các nhà máy nước.

Song, dù chưa chính thức bước vào Hè, nhưng tình trạng mất nước kéo dài, mất nước trên diện rộng đã bắt đầu xảy ra tại nhiều khu vực của Hà Nội…

Đảo lộn cuộc sống

Theo thống kê của Sở Xây dựng, tổng nhu cầu sử dụng trung bình trên địa bàn Hà Nội hiện khoảng 1.150.000 - 1.250.000m3/ngày, đêm. Với nhu cầu sử dụng nước sạch tăng bình quân mỗi năm từ 5 - 10%, tổng mức tiêu thụ nước sạch năm 2023 dự kiến sẽ dao động khoảng 1.250.000 - 1.350.000m3/ngày, đêm.

Công nhân kiểm tra hệ thống lọc nước tại Nhà máy Nước Yên Phụ. Ảnh: Thanh Hải
Công nhân kiểm tra hệ thống lọc nước tại Nhà máy Nước Yên Phụ. Ảnh: Thanh Hải

Với tổng công suất có thể cung cấp là 1.530.000m3/ngày, đêm thì Hà Nội cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong phạm vi cung cấp của hệ thống… Tuy nhiên, đây chỉ là lý thuyết, vào những ngày nắng nóng, tình trạng mất nước cục bộ vẫn có thể xảy ra.

Và thực tế nhưng ngày qua đã có thấy, dù chưa bước vào giai đoạn đỉnh điểm của nắng nóng (từ tháng 6 đến tháng 9 - PV) nhưng tình trạng mất nước kéo dài, mất nước trên diện rộng đã diễn ra tại nhiều khu vực của Hà Nội.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số khu vực như ngõ 192 Lê Trọng Tấn, ngõ 99 Định Công Hạ, ngõ 230 Định Công Thượng (phường Định Công)… tình trạng mất nước diễn ra liên tục, kéo dài đến cả tuần.

Chị Nguyễn Ngọc Bảo Trân sinh sống tại cuối ngõ 192 Lê Trọng Tấn, đoạn giáp với Định Công Thượng cho biết, mùa Hè nào cũng vậy, mỗi tháng khu vực này mất nước đến đôi lần, mỗi lần kéo dài cả tuần… Để có nước sinh hoạt, hằng ngày 2 vợ chồng chị phải thay ca túc trực chờ có nước để bơm vào bể ngầm, nhưng chờ đợi cả tuần cũng chẳng có giọt nước nào. “Để có nước sinh hoạt, hai vợ chồng phải chạy khắp nơi xin từng xô nước về để sinh hoạt” – chị Nguyễn Ngọc Bảo Trân cho biết.

Trong khi đó, chị Trần Thị Phương Anh, ngõ 230 Định Công Thượng chia sẻ, tình trạng mất nước không có lý do vừa kéo dài hơn chục hôm thì nay, chúng tôi lại nhận được thông báo dừng cấp nước để phục vụ bảo trì, bảo dưỡng tuyến ống truyền dẫn trên đường Vành đai 3 và Quốc lộ 1A.

Người dân xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt khi bị cắt nước trong thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Anh
Người dân xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt khi bị cắt nước trong thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Anh

“Mùa Hè nhu cầu sử dụng nước trong Nhân dân rất lớn. Người dân và các DN cung cấp nước sạch đều biết, nhưng không hiểu vì lý do gì các đơn vị cung cấp nước cứ chọn thời điểm nắng nóng nhất để tiến hành bảo dưỡng, bảo trì hệ thống” – chị Trần Thị Phương Anh chia sẻ.

Không chỉ tại khu nội thành, tình trạng mất nước kéo dài trên diện rộng cũng diễn ra tại một số huyện ngoại thành. Tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, tình trạng mất nước đã diễn ra khoảng 3 tuần nay.

Trao đổi với phóng viên, một số người dân xã Đức Thượng cho biết, đơn vị cấp nước có thông báo thời gian ngừng cung cấp nước sạch trong thời gian ngắn. Song, thực tế thì việc cắt nước lại kéo dài suốt nhiều ngày qua mà không có sự giải thích cụ thể, điều này đã và đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Và để có nước sinh hoạt, những người dân xã Đức Thượng phải chạy khắp nơi xin nước, khôi phục lại hệ thống giếng khoan… để tắm giặt, còn nước sinh hoạt vẫn phải sử dụng nước đóng bình, đóng chai. Thậm chí, nhiều người sức khỏe yếu, không có khả năng đi xin nước buộc phải bỏ tiền mua nước sạch từ nơi khác với giá cắt cổ là 1,2 triệu đồng/4m3.

Tăng nguồn cung cho các khu vực

Liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch tại khu vực xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, ông Nguyễn Đình Hà – Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội cho biết, nguyên nhân khiến một số khu vực tại xã Đức Thượng bị cắt nước là do nguồn nước sạch từ Nhà máy Nước Sông Đà cung cấp cho đơn vị không đủ để phân phối cho Nhân dân, đặc biệt là khu vực cuối nguồn.

“Những ngày nắng nóng, đơn vị cần 28.000m3 nước/ngày, đêm để đáp úng nhu cầu sử dụng của người dân, nhưng hiện nay đơn vị chỉ nhận được khoảng 22.000m3/ngày, đêm, thiếu 6.000m3” – ông Nguyền Đình Hà cho biết.

Công nhân vận hành kỹ thuật tại nhà máy nước Yên Phụ. Ảnh: Hải Linh
Công nhân vận hành kỹ thuật tại nhà máy nước Yên Phụ. Ảnh: Hải Linh

Cũng theo ông Nguyễn Đình Hà, để khắc phục tình trạng trên, trước mắt đơn vị đã đề nghị Nhà máy nước sạch Sông Đà cung cấp đủ lượng nước cho đơn vị. Cùng với đó, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm tăng áp Sơn Đồng để đưa nước về với những khu vực cuối nguồn của mạng lưới cung cấp nước, trong đó có xã Đức Thượng.

Trong khi đó, theo ông Cao Hải Tháp – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Viwaco cho biết, hiện nay, khả năng cung cấp nước từ Nhà máy Nước sạch Sông Đà, nhà máy Nước sạch Sông Đuống cho đơn vị đã đạt mức tối đa theo thiết kế.

Do đó, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của Nhân dân trong mùa Hè năm 2023, đơn vị đã và sẽ tiếp tục vận hành các trạm bơm tăng áp lực, phối hợp điều tiết nguồn nước sạch giữa các khu vực, phân vùng, tách mạng, điều tiếp cấp nước theo vùng hoặc theo giờ... để cố gắng duy trì cấp nước cho các khách hàng trên địa bàn quản lý.

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng có thể xảy ra, Sở đã yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch bảo đảm duy trì sản xuất, cung cấp tổng công suất khoảng 1.370.000 - 1.530.000m3/ngày, đêm. Đồng thời, xây dựng các giải pháp ứng phó với những tình huống cụ thể gây gián đoạn khả năng cấp nước.

Cụ thể, trong trường hợp có sự cố vỡ ống hoặc giảm áp lực, thiếu nguồn từ Nhà máy nước mặt sông Đà, Công ty Viwasupco sẽ duy trì vận hành tối ưu nhà máy và van điều tiết bảo đảm tuyến ống dẫn truyền số 1, sẵn sàng đấu nối bổ sung sử dụng đoạn tuyến số 2 đã hoàn thành.

Trong thời gian này, Công ty CP Viwaco sẽ phối hợp với Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà điều tiết, sử dụng nguồn nước sạch 30.000m3 từ bể chứa trạm điều tiết Tây Mỗ để cấp nước cho các khu vực. Phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty CP Nước mặt sông Đuống điều tiết, sử dụng tối đa nguồn nước sạch sông Đuống cho đơn vị tại các điểm kết nối hỗ trợ cấp nước giữa các đơn vị nhằm bảo đảm việc cấp nước.

Tương tự, khi Nhà máy Nước mặt sông Đuống xảy ra sự cố hoặc tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa đường ống... Công ty Nước sạch Hà Nội sẽ triển khai phương án khai thác nguồn cấp nước dự phòng, phát huy tối đa công suất thiết kế để bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy Nước mặt sông Đống; Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà sẽ tăng công suất, bổ sung nguồn cấp cho Công ty CP Viwaco, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty TNHH Nước sạch Hà Nội để bù đắp nguồn nước sạch từ Nhà máy Nước mặt sông Đuống, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng có thể xảy ra.

 

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, tổng công suất cấp nước từ các nhà máy tập trung trên địa bàn TP đạt khoảng 1.530.000m3/ngày, đêm. Trong đó, 3 nguồn cấp lớn là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội với công suất khoảng 550.000m3/ngày, đêm (nguồn nước ngầm khoảng 400.000m3/ngày, đêm; nguồn nước mặt từ Nhà máy Bắc Thăng Long – Vân Trì khoảng 150.000m3/ngày, đêm và nguồn nước dự phòng có thể khai thác bổ sung từ 100.000 – 110.000m3/ngày, đêm); nguồn cấp từ Nhà máy Nước mặt sông Đà khoảng 300.000m3/ngày, đêm; Nhà máy Nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1) công suất khoảng 300.000m3/ ngày, đêm...