Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu quy mô thị trường TPDN đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP không dễ dàng.
Hơn 1.146 mã trái phiếu lên sàn, thanh khoản gần 4.000 tỷ đồng/phiên
Tại thời điểm khai trương (19/7/2023), thị trường có 19 mã TPDN riêng lẻ của 3 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch với tổng giá trị đăng ký giao dịch 9.060 tỷ đồng. Sau hơn một năm, quy mô thị trường đã có sự phát triển mạnh mẽ, có 1.146 mã trái phiếu của 301 DN với giá trị đăng ký giao dịch trên HNX đạt gần 832.189,4 tỷ đồng. Thị trường có nhiều tên tuổi như Vietcombank, VinFast, Tracodi, ACB…
Hệ thống thành viên giao dịch TPDN riêng lẻ cũng phát triển nhanh chóng từ 8 thành viên tại ngày khai trương thị trường, đến nay, hệ thống đã có 48 thành viên. Đặc biệt, thanh khoản TPDN riêng lẻ được cải thiện rõ rệt. Từ mức chỉ hơn 250,6 tỷ đồng/phiên trong tháng đầu đi vào hoạt động, sau một năm giá trị giao dịch TPDN riêng lẻ bình quân đạt 3.704,5 tỷ đồng/phiên.
Việc đưa TPDN riêng lẻ vào giao dịch tập trung qua hệ thống tại HNX có sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý đã góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong giao dịch.
Trước đây, việc giao dịch trái phiếu chỉ thực hiện phân tán ở từng công ty chứng khoán, tạo ra nhiều rủi ro khi công ty chứng khoán tự "xé lẻ" kỳ hạn trái phiếu, "lách luật" bán cho nhà đầu tư cá nhân không chuyên. Với sàn giao dịch tập trung, nhà đầu tư có thể thực hiện mua bán online, tìm người mua, bán dễ dàng hơn, thanh toán T0. Ngoài ra, giúp mức độ minh bạch, công khai của thị trường tốt hơn.
Sau giai đoạn 2020 - 2021 tăng trưởng nóng của TPDN, nhiều nhà đầu tư đã có sự thay đổi nhận thức, muốn theo dõi thông tin và bảng giá về thị trường TPDN riêng lẻ. Phía DN đưa trái phiếu lên đăng ký giao dịch cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ đăng ký giao dịch, công bố thông tin. Tình hình thị trường có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Các DN phát hành được trái phiếu mới, huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ.
Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn chưa “bừng sáng”
“Thị trường TPDN riêng lẻ đang từng bước phục hồi, với nhiều tín hiệu tích cực với giá trị TPDN chậm trả theo từng tháng có xu hướng giảm dần trong những tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, năm 2024 và tiếp theo, thị trường TPDN riêng lẻ sẽ nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực hơn từ các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là sự hồi phục mạnh hơn của kinh tế trong nước, cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN được cải thiện”- ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty CP FiinGroup nhận định.
Nhiều chuyên gia đồng thuận rằng thị trường TPDN riêng lẻ đã lành mạnh hơn sau giai đoạn 2022 - 2023. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu để phục hồi và phát triển thị trường này theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Đình Duy, chuyên gia phân tích cao cấp - Khối xếp hạng và nghiên cứu thuộc VIS Rating cho biết, thị trường TPDN Việt Nam vẫn tồn tại một số điểm nghẽn.
Nghiên cứu của VIS Rating, nhiều tổ chức phát hành có chất lượng tín nhiệm thấp và hạn chế về thông tin. Thậm chí, có 20% giá trị TPDN lưu hành tới từ các DN vỏ bọc, không có hoạt động cốt lõi nhưng vẫn huy động vốn (SPE), với tỷ lệ chậm trả lên tới 38%. Việc phát hành trái phiếu với mục đích tái cơ cấu nợ cũng có xu hướng gia tăng, chiếm tỷ trọng 78% trong năm 2023.
“Xu hướng này cho thấy các DN sử dụng kênh trái phiếu không nhằm mục đích nguyên thủy là tài trợ các dự án dài hạn, mà chủ yếu như một kênh tài chính để duy trì trạng thái hiện tại, dẫn đến chất lượng phát hành chưa được như kỳ vọng” - ông Duy nói.
PGS T.S Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định, tỷ lệ trái phiếu phát hành có DN được xếp hạng còn nhỏ, dưới 10%, trong khi ở châu Á, tỷ lệ này là trên 50%, các nước phát triển 80 - 90%.
Thị trường TPDN Việt hiện có quy mô nhỏ, trái phiếu tập trung chủ yếu vào nhóm ngân hàng và bất động sản, mang tính chất đầu cơ hơn là đầu tư. Chất lượng trái phiếu chưa thể hiện mục tiêu hỗ trợ cho phục hồi sản xuất kinh doanh nói chung của nền kinh tế.
Chính vì thế, dẫn đến tình trạng có nhiều trái phiếu ở tình trạng chậm trả và rủi ro cao, nhưng có định giá chưa hợp lý. Đặc biệt, gần đây các DN phát hành có xu hướng sử dụng bảo lãnh của bên thứ ba, nhưng không hoàn toàn đem lại chất lượng tín dụng cao hơn.
“Cần phải đánh giá điều kiện, điều khoản, khả năng trả tiền của bên bảo lãnh. Thực tế, nhiều đợt phát hành có bảo lãnh của bên thứ ba là cá nhân hay công ty mẹ, như trường hợp Vạn Thịnh Phát, nên khi hệ thống có vấn đề thì việc bảo lãnh hoàn toàn không có giá trị” - ông Nguyễn Đình Duy chỉ ra, việc chưa có quy định DN có “sở hữu chéo” vốn góp, cùng hệ sinh thái không được phép mua - bán trái phiếu lẫn nhau là vấn đề cần lưu tâm.
Minh bạch để thị trường phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững
Chiến lược tài chính đặt ra mục tiêu quy mô thị trường TPDN đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP. Với số lượng "hàng hóa" để trao đổi ngày càng nhiều sẽ lên sàn, kỳ vọng về lâu về dài, Việt Nam sẽ có một thị trường trái phiếu hoàn thiện song hành cùng thị trường cổ phiếu tạo kênh dẫn vốn hiệu quả cho DN và nền kinh tế. Tuy vậy, như các chuyên gia phân tích ở trên, mục tiêu này tương đối khó.
Để thị trường TPDN riêng lẻ phát triển đạt mục tiêu đề ra, các chuyên gia cho rằng tính minh bạch, đặc biệt sự minh bạch mang tính chủ động của các tổ chức phát hành là yếu tố tiên quyết.
Ông Trần Lê Minh - Tổng Giám đốc VIS Rating cho rằng, có 3 điều kiện cần để giúp thị trường TPDN Việt Nam đạt quy mô 25% GDP vào năm 2030.
Điều kiện tiên quyết là minh bạch thông tin, vì nếu không minh bạch thị trường sẽ không thể và không bao giờ phát triển được. Theo đó, phải có thông tin mức độ rủi ro trái phiếu bán trên thị trường, gồm: mức độ rủi ro của tổ chức phát hành, khả năng trả nợ, phải có thông tin đầy đủ về rủi ro của tổ chức phát hành được một bên độc lập cung cấp.
Tiếp đó, cần có đường cong lãi suất TPDN làm tham chiếu, để nhà đầu tư dựa vào đó biết trái phiếu đang được giao dịch mức giá thế nào. Cuối cùng, muốn phát triển thị trường thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn dài thì cần tạo điều kiện để số trái phiếu này được nắm giữ bởi các nhà đầu tư là tổ chức, thay vì nhà đầu tư cá nhân.
Bà Lê Thị Thu Hà - Phó Vụ trưởng, Vụ quản lý chào bán chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý dự kiến sửa một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung xếp hạng tín nhiệm, với mục tiêu nâng cao tính minh bạch thông tin thông qua đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong các đợt chào bán của DN có kế hoạch phát hành trái phiếu ra công chúng.
Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường thông qua nâng cao chất lượng tổ chức phát hành; nâng cao chất lượng nhà đầu tư theo hướng thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực tài chính, các nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài...
Triển vọng trong tương lai, vai trò trái phiếu là kênh huy động vốn dài hạn cho DN, đối với Việt Nam TPDN còn có vai trò quan trọng hơn nữa, nhất là khi các DN đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, cần vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng dù nguồn vốn tín dụng được cho rằng đang rẻ. Muốn phát hành trái phiếu thì phải có độ tin tưởng để khách hàng yên tâm. Những điều trên đòi hỏi phải có hành động kịp thời để thúc đẩy phát hành TPDN trong thời gian tới.
PGS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam