Kinhtedothi - Báo cáo nhân lực trực tuyến quý 1 năm nay do VietnamWorks vừa công bố hôm qua (1/4) cho thấy thị trường tuyển dụng tiếp tục sôi động. Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng nhanh hơn nguồn cung lao động, tuy nhiên lại phân bố không đều giữa các cấp bậc công việc.
So với cùng kỳ năm 2013, nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong quý 1 năm nay tăng trưởng 11%, trong khi đó nguồn cung lao động cũng tăng nhưng ở mức chậm hơn là 8%.
Tuy nhiên, dịch chuyển trong thị trường nhân lực về các nhóm cấp bậc vẫn còn chưa cân bằng như nhu cầu tuyển dụng của các nhóm cấp bậc thấp hơn như “mới ra trường/khởi đầu/thực tập” và “có kinh nghiệm (không phải quản lý)” chỉ chiếm 66% nhu cầu của toàn bộ thị trường, nhưng nguồn cung lao động cho 2 nhóm cấp bậc này lại chiếm tới 75% tổng nguồn cung của thị trường.
Một trường dạy nghề. (Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)
|
Nhận định về tình hình này, ông Jonah Levey, nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng quản trị VietnamWorks, nói: “Nhân lực thiếu kinh nghiệm đang phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh trang để giành lấy một lượng công việc có hạn, trong khi nhà tuyển dụng đau đầu vì thiếu hụt nhân lực cấp cao.”
Tình trạng “thừa và thiếu” này vẫn không thay đổi so với năm 2013, cho thấy thị trường nhân lực Việt Nam vẫn đang tăng trưởng đều đặn về số lượng nhưng chưa thực sự cải thiện về chất lượng.
Ở các cấp bậc thấp, ứng viên tìm việc phải cạnh tranh gay gắt với rất nhiều ứng viên khác. Đơn cử, trong quý 1 vừa qua, các ứng viên nộp đơn vào các vị trí khởi đầu (Entry Level), là cấp bậc thấp nhất trong các doanh nghiệp, sẽ phải cạnh tranh với 101 ứng viên khác trong quá trình ứng tuyển, theo số liệu báo cáo của VietnamWorks.
Tỷ lệ cạnh tranh này cao gấp 3 đến 5 lần so với tỷ lệ chọi khi thi đầu vào tại các trường đại học danh tiếng nhất ở Việt Nam, chứng tỏ sự khắc nghiệt của thị trường lao động ở khu vực các vị trí cấp bậc thấp.
Cũng theo báo cáo, 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất quý 1 vừa qua lần lượt là công nghệ thông tin-phần mềm, hành chính/thư ký, kế toán, sản xuất/quy trình, dịch vụ khách hàng, marketing, bán hàng, quảng cáo/khuyến mãi/quan hệ công chúng, xây dựng/công trình và xuất-nhập khẩu.
Ngoại trừ ngành xuất-nhập khẩu có nhu cầu tuyển dụng tăng đột biến 45% so với cùng kỳ năm 2013, các ngành còn lại đều nằm trong danh sách top 10 ngành tuyển dụng nhiều nhất toàn năm 2013.
Các ngành tăng nhu cầu tuyển dụng nhanh nhất trong quý 1 năm nay so với quý 1 năm ngoái là sản xuất/quy trình, marketing, bán hàng, xuất-nhập khẩu và giáo dục-đào tạo.
Về phía nguồn cung nhân lực, các ngành kế toán, sản xuất-quy trình, công nghệ thông tin-phần mềm, xuất-nhập khẩu và kiến trúc-thiết kế nội thất tăng trưởng nhanh nhất.
Đáng chú ý là ngành kế toán tăng về nhu cầu tuyển dụng nhưng lại giảm về nguồn cung nhân lực. Trong khi đó, ngành xuất-nhập khẩu và ngành giáo dục-đào tạo có nhu cầu tuyển dụng tăng vượt bậc nhưng nguồn cung nhân lực cho 2 ngành này lại không theo kịp.
Năm địa phương có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong quý 1 năm nay vẫn là những cái tên quen thuộc là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Đà Nẵng.
Tuy nhiên, xét về độ tăng trưởng nhu cầu nhân lực, một số địa phương mới nổi lại vượt lên dẫn đầu trong bản đồ nhân lực Việt Nam. Nếu như năm 2013, Bắc Ninh là một điểm sáng mới trong thị trường tuyển dụng lao động, trong quý đầu tiên của năm nay, các địa phương Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nam, Quảng Ninh và Hà Tĩnh cùng gia nhập nhóm các địa phương tăng trưởng nhu cầu nhân lực ấn tượng nhất.
Trong 10 địa phương có nhiều ứng viên ứng tuyển nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Biên Hòa là 3 địa phương có tỷ lệ cạnh tranh cao nhất: một ứng viên phải cạnh tranh với hơn 60 ứng viên khác cho một công việc.