Cũng là thiết thực chống dịch

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 song cũng cần đảm bảo “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”.

Hết năm 2021, đại đa số DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng sản xuất, kinh doanh sẽ hoạt động trở lại. Đó là mục tiêu, giải pháp của Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 105-NQ/CP vừa ban hành về các nội dung hỗ trợ những đối tượng trên vượt qua khó khăn do dịch bệnh, hồi phục và phát triển.
Số liệu thống kê 8 tháng năm 2021 cho thấy nền kinh tế đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Trong đó, hơn 85 nghìn DN buộc phải rời thị trường; thâm hụt thương mại gia tăng, nhập siêu 8 tháng lên tới 3,71 tỷ USD; hoạt động du lịch gần như đóng băng hoàn toàn...

Từ thực tế trên có thể thấy, những tháng còn lại của năm để kinh tế phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cần có sự nhập cuộc quyết liệt, những giải pháp cụ thể. Chính vì thế Nghị quyết 105 được đón nhận như một cứu cánh quan trọng cho cộng đồng DN, hộ kinh doanh trở lại với quỹ đạo sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài thực hiện giãn cách chống dịch. Thực tế, không quyết tâm “suông”, Nghị quyết 105 đề ra nhiều giải pháp với trách nhiệm cụ thể và thời hạn thực hiện rõ ràng. Đơn cử như Nghị quyết nêu rõ Bộ Y tế ngay trong tháng 9 phải có văn bản hướng dẫn DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm Covid và tự làm xét nghiệm. Đây cũng là mong muốn của cộng đồng DN bởi sẽ giúp DN tiết kiệm được khoản được chi phí tương đối lớn so với xét nghiệm dịch vụ như hiện nay. Cùng với đó là yêu cầu tiếp tục rà soát, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 là người lao động tại các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp…

Nội dung Nghị quyết cũng nêu rõ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 theo quy định trong tháng 9; Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan sớm cho phép DN dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh, hoàn thành trong tháng 9 năm 2021…

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ trao cho địa phương quyền quyết định và chịu trách nhiệm việc mở cửa các hoạt động kinh tế trên địa bàn tùy diễn biến dịch bệnh và theo hướng dẫn chuyên ngành của Bộ Y tế. Tinh thần là hạn chế tối đa đóng cửa nhưng phải an toàn phòng dịch. Như vậy, ngay từ bây giờ các địa phương có thể chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết cho giai đoạn mới để tránh lúng túng, bị động. Theo đó, DN cũng sớm lên được phương án sản xuất, kinh doanh của mình.

Tại Hà Nội, cùng với sự quyết liệt chung tay phòng, chống dịch của các cấp chính quyền, đoàn thể, các lực lượng chức năng và người dân những vùng xanh đang được mở rộng. Cùng với đó là những biện pháp vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, trở lại trạng thái bình thường mới cũng đang được rốt ráo triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.