Cùng lo việc nhà

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luôn luôn về sớm hơn vợ, nhưng anh không có khái niệm giúp đỡ vợ trong việc nhà. Về muộn, chị cuống cuồng “tay năm tay mười” cơm nước dọn dẹp, còn anh vẫn thản nhiên nằm duỗi dài xem tivi.

Chị bực mình lên tiếng nhưng anh cũng chỉ ậm ờ cho qua chuyện rồi “đâu đóng đấy”. Thờ ơ quá, anh thực sự như người khách trong nhà mình. Cái gì để đâu anh cũng không biết, ngay cả mẹ anh có đến chơi nhờ anh lấy con dao để bà bổ táo cho cháu, anh cũng tìm loạn cả nhà không biết con dao để đâu. Bà bảo “sao nhà con mà hỏi cái gì con cũng không biết thế nhỉ?”, thì anh cười: “À, thì tất cả đều do vợ con làm mà”. Mẹ anh chỉ còn biết thở dài nói “thế là không được đâu con, chồng là chỗ dựa cho vợ con, là chủ gia đình, mà mày cứ như người ở trọ vậy, làm sao mà hạnh phúc được”.
Cùng lo việc nhà - Ảnh 1
Nhiều người khác chỉ làm vài việc nhà theo yêu cầu của vợ, còn lại cho vợ tự quản lý. Họ được gọi là những ông chồng “dễ chiều”, mặc vợ muốn làm việc nhà thế nào cũng được. Nhiều người chồng về nhà chỉ để ăn uống, vệ sinh cá nhân và đi ngủ và vô tình cứ như đồ thừa trong nhà, đi cũng được, mà ở cũng chẳng sao. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay việc nuôi dạy con do người phụ nữ đảm nhiệm là chính. Con đau con ốm cũng do mẹ chăm sóc, con học trường nào cũng do mẹ lo. Thậm chí, có những ông bố chưa một lần đi họp phụ huynh cho con. Và nhiều bà vợ rơi vào cảnh chán nản và cô đơn triền miên cũng chỉ vì những ông chồng quá thờ ơ với gia đình.

Trong một cuộc tọa đàm  về việc nam giới cùng chia sẻ công việc gia đình, nhiều người đàn ông lý giải, do chị em ôm đồm hết việc nhà, nên mệt mỏi rồi cau có. Nhưng khi chồng con làm cùng thì lại không ưng và đi làm lại. Chính sự mệt mỏi vì phải gắng sức, khiến chị em cảm thấy bất công và làm không khí gia đình căng thẳng. Không những thế, vì quên chăm sóc bản thân, họ trở thành người không đi kịp thời đại, dễ khiến bạn đời cảm thấy không được “sang vì vợ”. Đó cũng là vấn đề những người phụ nữ cần suy nghĩ.

Thực tế, chính vì người mẹ làm hết việc nhà, ngay từ nhỏ, nhiều bé gái đã cho rằng việc nhà là việc của phụ nữ. Mang theo tư tưởng này, nhiều cô gái sau khi kết hôn bỏ qua mọi nhu cầu của mình, tập trung cả sức lực và tinh thần cho gia đình. Và khi người phụ nữ ôm đồm mọi việc thường làm hư chồng, con, khiến các thành viên trong gia đình quen với việc được phục vụ, được chăm sóc, mà không biết cách tự làm mọi việc và quan tâm đến vợ, mẹ. “Đàn bà xây tổ ấm”, câu nói ấy không sai, nhưng người phụ nữ tỉnh táo là biết cách phân công mọi việc trong nhà cho chồng, con, vừa để chia bớt gánh nặng, vừa để mọi người có thói quen làm việc, chia sẻ với nhau và xây dựng nền nếp gia đình. Bởi hạnh phúc không bắt nguồn từ những điều to lớn, mà ở ngay trong sự sẻ chia, vun vén nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần