Cúng ông Công, ông Táo: Trang trọng nhưng không nên biến tướng

Linh Anh – Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay, ngày 23 tháng Chạp rơi vào ngày thứ Sáu, nhiều gia đình còn bận bịu với công việc cơ quan, công sở nên việc chuẩn bị mâm cơm cúng vào đúng ngày ông Táo đi chầu trời đang trở thành bài toán nan giải. Phố phường đã tấp nập các dịch vụ đồ lễ, đồ cúng. Rất nhiều loại hình dịch vụ mới xuất hiện. Các chuyên gia văn hóa khuyến cáo, cúng ông Công, ông Táo là truyền thống tốt đẹp của người Việt nên phải cúng sao cho đúng mới mang ý nghĩa khép năm cũ, đón chào Xuân mới.

Người dân thả cá ngày ông Công, ông Táo. Ảnh: Việt Linh
Nhiều loại vàng mã mới nhưng không thích hợp
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, từ đầu tháng Chạp Kỷ Hợi, tại phố Hãng Mã, những sản phẩm phục vụ cho lễ ông Công, ông Táo đã bắt đầu được bày bán. Năm nay, giá các sản phẩm vàng mã dành cho ông Công, ông Táo dao động từ 100.000 đồng – 120.000 đồng (tùy chất liệu), cao hơn năm trước từ 20.000 đồng – 50.000 đồng. Tại cửa hàng Oanh Hiệp (Hàng Mã), người bán thường mời chào khách hàng mua đồ vàng mã cúng ông Công, ông Táo mua thêm các sản phẩm để cúng đêm Giao thừa như vàng mã cúng thần linh giá 120.000 đồng, ngựa giá 100.000 đồng. Ở các cửa hàng bán lẻ như tại chợ Xanh (đường Lương Định Của, quận Đống Đa) giá bộ ông Công, ông Táo cao hơn ở Hàng Mã từ 10.000 - 30.000 đồng. Giá bộ thần linh từ 120.000 đồng – 150.000 đồng. Theo bà Nguyễn Thị Nga (Đống Đa – Hà Nội), cửa hàng bán lẻ thường tăng giá bởi các sản phẩm được đóng gói, với nhiều mẫu mã phong phú.
Thạc sĩ, chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển - Viện Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho rằng: Các mặt hàng vãng mã phục vụ cúng ông Công, ông Táo đa dạng hơn, mẫu mã đẹp hơn nhưng cũng phát sinh nhiều hình thức mới. Ông Hiển khuyến cáo, các gia đình không nên đốt quá nhiều vàng mã, mà chỉ nên chọn đủ, vừa phải, hợp với về màu sắc của mũ, áo cũng như hia hài của các Táo (tùy thuộc vào ngũ hành của năm đó). 
Xuất hiện cá KOI thay cá chép
Đối với mặt hàng cá chép phục vụ cho thị trường ông Công, ông Táo, giá bán lẻ ở các cửa hàng thường dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/con cá nhỏ. Cá lớn hơn thường trung bình có giá 40.000 – 45.000 đồng/con; cá cỡ to hẳn có giá từ 50.000 – 55.000 đồng/con. Đặc biệt năm nay, các cửa hàng bán lẻ có chào bán cá KOI (Nhật Bản). Theo anh Phạm Đình Hà – người bán cá trên đường Lê Duẩn, cá KOI được nuôi ở Vụ Bản (Nam Định), chăm sóc với chế độ thức ăn, nhiệt độ riêng biệt. Do vậy, cá KOI có giá dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/con.
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đặc biệt phản đối hình thức dùng cá KOI cúng lễ ông Công, ông Táo. Ông Vĩ giải thích, theo truyền thuyết dân gian, cá chép hóa rồng nên ông Công, ông Táo sử dụng cá chép làm phương tiện lên chầu trời và cúng ông Công, ông Táo phải có cá chép. Ngoài ra, theo quan niệm của Phật giáo, việc thả cá là hình thức phóng sinh, bảo vệ môi trường nhưng không vì thế mà chuyển sang phóng sinh cá KOI. Như vậy, chúng ta đang làm mất đi giá trị ý nghĩa ban đầu của truyền thống dân gian.
Cúng giờ nào đẹp nhất?
Thạc sĩ, chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển cho biết: Theo quan niệm dân gian, Lễ cúng ông Táo đẹp nhất là tối ngày 22 và sáng ngày 23 tháng Chạp, cần được thực hiện từ 11 – 13 giờ là giờ Ngọ và đây thời điểm các thần quy tụ để chuẩn bị về trời. Tuy nhiên, năm 2020, ngày 23 tháng Chạp vào thứ Sáu, đúng ngày nhiều gia đình đi làm không kịp chuẩn bị thì giờ chuẩn nhất để cúng ông Công ông Táo là từ 7 giờ sáng đến 21 giờ tối ngày 22 tháng Chạp. Chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển cũng khuyến cáo các gia đình không nhất thiết phải cúng ông Công, ông Táo vào lúc giữa trưa, mà có thể cúng vào bất kỳ lúc nào thuận tiện và cúng trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian, công việc của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.
Ngoài ra, nếu các gia đình vì vướng bận công việc quan trọng thì cũng nên hoàn thành việc cúng ông Công, ông Táo trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. “Các gia đình cũng cần chuẩn bị 3 con cá chép thật hoặc 3 con cá chép giấy để làm “ngựa” tiễn Táo về trời và tuyệt đối không ném cá chép từ trên cao, ném cả túi nilon xuống hồ. Cũng không nên mua quá nhiều cá chép thật, nếu có ý định thả phóng sinh thì nên có kế hoạch từ trước để chọn nơi thả phóng sinh sạch sẽ. Các gia đình cũng không nên cầu xin tài lộc, công danh, tình duyên khi cúng ông Táo” – các chuyên gia khuyến cáo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần