70 năm giải phóng Thủ đô

Cúng rằm tháng 7: Đồ vàng mã lên sàn thương mại điện tử

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rằm tháng 7 năm nay vào đúng thời điểm nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, nên các gia đình chuyển từ mua vàng mã trực tiếp sang hình thức mua online trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Mua đồ cúng online thời Covid-19
Khảo sát trên một số các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Lazada… những ngày này, nhiều sản phẩm vàng mã cúng Rằm tháng 7 được rao bán theo “set đồ lễ”, với giá từ 300.000 - 320.000 đồng/set. Khách sẽ nhận hàng sau 1 - 2 ngày đặt mua. Không chỉ trang thương mại điện tử, mà trên các mạng xã hội như facebook, zalo cũng khá nhộn nhịp hoạt động rao bán vàng mã cúng Rằm tháng 7 với giá rẻ hơn sàn thương mại điện tử.
Nhóm “Bán buôn vàng mã Việt Nam” trên Facebook quảng cáo, khách hàng chỉ cần từ 150.000 - 300.000 đồng là có thể đặt được những sản phẩm vàng mã như bộ quần áo, tiền vàng, hương nến,..., người mua sẽ nhận được hàng ngay trong ngày.
Lý giải nguyên nhân mua vàng mã cúng Rằm tháng 7 thông qua hình thức online, chị Nguyễn Minh Thu ở đường Trần Hữu Tước (quận Đống Đa) cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, gia đình chị hạn chế đến nơi đông người nên việc mua sắm đồ cúng ngày Rằm tháng 7 như quần áo, giày dép, vàng mã đặt mua trên mạng xã hội, hay sàn thương mại điện tử, vừa nhanh gọn lại hạn chế được việc đi ra ngoài không cần thiết, tránh lây nhiễm Covid-19.
“Việc mua bán này khá tiện lợi bởi tiết kiệm thời gian, công sức người mua, các mặt hàng vàng mã cũng khá đa đạng như bộ đồ quần áo giấy, dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/bộ, bộ đồ phụ kiện như đồng hồ, vòng vàng, iphone, ipad… có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/bộ”- chị Thu chia sẻ.
 Người dân mua đồ vàng mã cúng Rằm tháng 7. Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, dù đang là dịp cao điểm mua hàng vàng mã cúng Rằm tháng 7 nhưng sức tiêu thụ giảm hơn năm trước. Bà Trương Nga, chủ một cửa hàng chuyên đồ thờ cúng tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu nên năm nay số người mua, lượng tiêu thụ hàng mã giảm đến 30 - 40% so với năm trước mặc dù gia đình vừa bán hàng trực tiếp vừa bán online.
Dịch vụ đặt cỗ an binh bất động
Những ngày này không chỉ mặt hàng vàng mã vắng bóng khách mua mà dịch vụ đặt cỗ cúng Rằm tháng 7 cũng trong tình trạng tương tự, hầu hết các cửa hàng chuyên làm cỗ cúng đều từ chối nhận đơn hàng.
Nhiều người tiêu dùng phản ánh, thời điểm này do lo ngại dịch Covid-19 và các siêu thị mini, chợ truyền thống hầu như chỉ bán hàng tiêu dùng thiết yếu, không có đủ nguyên liệu nấu đồ cúng, song các cơ sở chuyên nấu cỗ cúng cũng không nhận làm cỗ. Chủ nhà hàng Lá Nếp Quán trên phố Hòa Mã (quận Hai Bà Trưng) Dương Ngọc Diễm Hằng cho hay, ngay từ đầu tháng 7 Âm lịch nhiều khách quen đã đặt cỗ nhưng cửa hàng không dám nhận. Lý do là bởi dịch Covid-19, nhà hàng đã dừng hoạt động, quan trọng hơn cả TP Hà Nội chỉ cho phép ra đường vận chuyển hàng hóa thiết yếu, việc ship cỗ cúng Rằm tháng 7 không thuộc những mặt hàng này. Nếu lực lượng chức năng phát hiện sẽ bị phạt nặng nên không thể nhận đơn hàng cỗ cúng Rằm tháng 7 như mọi năm.

Mặc dù từ chối nhận đặt mâm cỗ cúng, nhưng một số tiểu thương kinh doanh gia cầm vẫn nhận đặt làm gà lễ cúng Rằm tháng 7 với điều kiện chỉ ship khu vực nội thành. Đồng thời cũng tăng giá bán mặt hàng này từ 20.000 - 30.000 đồng/kg so với thời điểm chưa thực hiện giãn cách xã hội. Chị Thu Linh kinh doanh gia cầm tại chợ Kim Liên cho biết, gà cùng Rằm tháng 7 chủ yếu là gà ta, nhưng hiện nguồn cung mặt hàng này không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thời điểm này, nên việc tăng giá là khó tránh khỏi, dự báo từ nay đến Rằm tháng 7 giá bán có thể vẫn chưa dừng lại.