Kinhtedothi - Rằm tháng 7 cũng là dịp lễ Vu Lan báo hiếu, nhiều gia đình thường thành tâm chuẩn bị mâm cơm cúng Phật, thần linh và gia tiên để báo đáp ơn sinh thành, dưỡng dục. Nếu không có điều kiện để làm mâm cơm gia đình chỉ cần thành tâm bày biện mâm hoa quả...
Rằm tháng 7 (ngày 15 tháng 7 âm lịch), là một ngày lễ quan trọng của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Theo quan niệm dân gian, người ta có thể thường cúng rằm tháng 7 từ ngày mùng 2 đến trước 12 giờ trưa ngày 15 tháng 7 âm lịch (tức ngày 5/8 đến trước 12 giờ ngày 18/8/2024 dương lịch).
Tuy nhiên, tháng 7 âm lịch còn là lễ Vu Lan báo hiếu, vì vậy thông thường sẽ cúng Phật, cúng thần linh, gia tiên vào dịp này.
Mâm cơm chay cúng Phật rằm tháng 7 sẽ không thể thiếu với nhiều gia đình, đặc biệt là các Phật tử. Một số món chay hay được nhiều người chế biến gồm: Xôi trắng ruốc nấm hương (xôi gấc, xôi đỗ xanh, xôi vò hạt sen), nem rau nấm, nộm rau củ (gỏi hoa chuối ngó sen), cải thìa sốt nấm hương (đậu hũ non sốt nấm), canh nấm (canh rau củ, canh bóng nấu chay)...
Nếu không có điều kiện để chuẩn bị những món chay thì gia đình chỉ cần bày biện mâm hoa quả cùng với tấm lòng thành của mình.
Lễ vật cúng Phật gồm: hoa tươi (hoa sen, hoa huệ, mẫu đơn, hoa cúc,…), trái cây theo mùa, hương, nước, đèn (nến)...
Không có bất kỳ quy tắc nào về mâm cúng gia tiên mà sẽ tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của gia đình, hoặc tùy theo đặc điểm vùng miền, mùa vụ.
Mâm cúng Phật được đặt ở vị trí cao rồi mới đến mâm cúng thần linh và cuối cùng là gia tiên. Thực hiện lễ cúng Phật, thần linh và gia tiên trước, lễ cúng chúng sinh cô hồn thì làm cuối cùng. Lễ cúng cô hồn không được thực hiện ở trong nhà mà làm ở ngoài sân, ngõ, trước cửa nhà.