Vì thế, Tháng Chạp cũng là tháng để chuẩn bị "tống cựu, nghinh tân", tiễn những điều cũ và đón điều an lành trong năm mới. Lễ cúng Rằm tháng Chạp nhìn chung không có nhiều khác biệt so với những ngày Rằm khác. Tuy nhiên, đây là ngày Rằm cuối cùng của năm nên nhiều gia đình cũng chuẩn bị tươm tất hơn, phần vì tạ ơn Gia tiên, thần linh, phần còn lại là cầu mong những điều lành trong năm mới.
Mâm cúng Rằm tháng Chạp gồm những vật phẩm gì?
Tuỳ theo văn hoá của mỗi nơi và điều kiện của mỗi gia đình mà mâm cúng Rằm tháng Chạp sẽ chuẩn bị lớn nhỏ khác nhau. Có gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng chay và mặn.
Mâm cúng chay ngày Rằm tháng Chạp thường có 5 thành phần là hương (nhang), hoa tươi, đèn (hoặc nến), quả tươi và các món ăn chay.
Hương (nhang) thường chọn loại hương tự nhiên, không dùng loại có nhiều chất hoá học gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hoa tươi bạn có thể chọn những loại hoa dâng lên ban thờ như: hoa cúc, hoa huệ... Đối với quả tươi, có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy vậy, trong đĩa hoa quả có thể chọn ngũ quả để tượng trưng cho sự đủ đầy và cân bằng, chẳng hạn như: lựu đỏ, thanh long, táo, cam, phật thủ... Bên cạnh đó, nếu không dùng nến có thể dùng đèn thắp sáng, tuy nhiên dùng nến sẽ mang lại cảm giác ấm cúng hơn.
Ngoài ra, mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Chạp còn bao gồm các món như" rau củ luộc, canh nấm, nem chay rau củ, bánh chưng đậu xanh...
Trong mâm cỗ mặn cúng ngày Rằm tháng Chạp không thể thiếu đĩa xôi gấc đầy đặn, đỏ au tượng trưng cho sự may mắn. Ngoài xôi gấc đỏ, bạn có thể đồ xôi đỗ hoặc xôi hạt sen. Ngoài ra, mâm cỗ còn có bát canh măng mọc, canh bóng thả màu sắc và bát miến. Vào ngày Rằm tháng Chạp, nhiều gia đình cũng dâng lên tổ tiên một đĩa bánh chưng xanh gợi thêm không khí xuân mới thật gần. Màu xanh của bánh chưng sẽ giúp mâm cỗ thêm hài hoà. Món xào trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp rất đa dạng, từ dễ nấu đến cầu kỳ, chẳng hạn như rau cải chíp xào nấm hương, thịt bò xào ớt chuông...
Nên làm gì vào ngày Rằm tháng Chạp?
Để nghi lễ cúng Rằm tháng Chạp được trang nghiêm, mọi người nên tắm gội sạch sẽ, trang phục gọn gàng, lịch sự. Tránh mặc quần áo cộc, đồ ngủ... Trong ngày Rằm tháng Chạp, mọi người trong gia đình nên giữ hoà khí, không nên cãi vã hoặc tranh luận, làm vỡ đồ đạc.
Đặc biệt lưu ý, để ngày Rằm tháng Chạp thêm ý nghĩa và thêm phúc, mọi người trong gia đình nên bớt chút thời gian của mình để lên chùa sám hối mọi tội lỗi đã gây tạo từ vô thỉ kiếp cho đến ngày nay. Đồng thời, mọi người tùy theo hoàn cảnh của mình có thể tự bỏ tiền để mua các con vật ngoài chợ (ốc, cá, lươn, trạch, cua...) để thực hiện phóng sinh cứu vật nhằm nuôi dưỡng lòng từ bi, giảm thiểu nghiệp sát sinh cho bản thân và gia đình cũng như giúp tăng thêm tuổi thọ.
Các thành viên trong nhà cũng nên tham gia các chương trình từ thiện, thực hành việc bố thí cho người nghèo, gia đình khó khăn, tham gia các chương trình tết nghĩa tình, tết vì người nghèo.... để tăng thêm phúc báo giàu có cho gia đình, con cháu đời này và nhiều đời sau.
Cúng rằm vào giờ nào đẹp nhất?
Theo quan niệm dân gian xưa, cúng Rằm tháng Chạp nên đúng vào ngày Rằm hoặc trước đó một ngày, đó là ngày 14 tháng Chạp Âm lịch. Chính vì vậy, phần lớn các gia đình sẽ sửa soạn cỗ cúng tươm tất vào ngày Rằm tháng Chạp, tức ngày 15/12 Âm lịch để dâng cúng.
Năm nay, Rằm tháng Chạp năm 2022 rơi vào thứ Sáu ngày 6/1/2023 Dương lịch. Tuy vậy, tuỳ thuộc vào sự sắp xếp của gia đình mà mọi người có thể dâng cúng vào ngày 14 Âm lịch, tức ngày 5/1/2023 Dương lịch.