Tuy nhiên, theo khảo sát của Kinh tế & Đô thị ngày 18/2, trước Rằm tháng Giêng một ngày, nhiều ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội khá vắng vẻ, trong khi giá cả thực phẩm ít biến động.
Vắng vẻ nơi cửa chùa
Theo phong tục truyền thống, Rằm tháng Giêng là một trong những dịp lễ lớn của các gia đình người Việt. Vào dịp này, ngoài việc sửa soạn mâm cỗ cúng gia tiên, người dân thường đến chùa lễ Phật để cầu may, cầu an cho bản thân và gia đình.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chiều 18/2 (tức ngày 14 tháng Giêng) tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) khá vắng vẻ, không còn cảnh tấp nập như những ngày rằm hàng tháng. Trong khi đó, tại chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ) và chùa Kim Liên, lượng người ra vào dù vẫn có sự tấp nập, nhưng chủ yếu vẫn là khách du lịch đến tham quan, khám phá và chụp ảnh là chính. “Do những ngày Tết gia đình tôi cũng đã cúng nhiều rồi nên ngày Rằm tháng Giêng chỉ cũng ở nhà” - anh Nguyễn Hoàng Nguyên, ở Tây Hồ chia sẻ.
Theo các nhà sư, cúng gia tiên ngày Rằm tháng Giêng là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết, còn cúng Phật là mâm lễ chay thanh tịnh, cùng hương hoa đèn nến. Đặc biệt, trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước) với ý nghĩa mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.
Tuy nhiên, bên cạnh đồ lễ cúng chay, ghi nhận ngày 18/2 tại chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa), nhiều người dân đã mang đồ lễ cúng tới chùa như mâm xôi, gà, vàng mã để cúng Rằm cũng như cầu an.
Cùng thời điểm tại chùa Bộc (quận Đống Đa), do trùng với ngày dâng sao giải hạn nên mọi lễ nghi, đồ cúng cũng khá đầy đủ. Tuy nhiên, theo một người mặc áo phật tử, ngồi tại bàn công đức thì nhiều người hiện nay đi lễ chùa quá phô trương: “Người dân đi lễ chùa cầu cúng chỉ cần thắp nén hương và thành tâm là được. Nếu có lòng thì nên công đức để nhà chùa có thêm viên gạch tu sửa”.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Vịnh – Chánh Thư ký Tỉnh hội Phật giáo – Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bắc Giang, khi đi lễ, phật tử và người dân cố gắng giữ tâm thanh tịnh, không nên rải tiền bừa bãi, cài lên tay tượng, mất văn hóa, gây phản cảm. “Ngày nay, quá nhiều người quan trọng hóa việc cầu cúng. Chúng ta đi lễ nên thành tâm, học hỏi những điều hay lẽ phải” - Hòa thượng Thích Thanh Vịnh nói.Giá cả các mặt hàng ít biến độngVới nhiều hộ gia đình Hà Nội, việc sắm sửa lễ cho ngày Rằm tháng Giêng năm nay không có nhiều khác biệt so với các ngày Rằm bình thường khác. Do vậy, giá cả trên thị trường cũng ít biến động.
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ngày 18/2, tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội có khá đông người mua sắm hàng hóa, thực phẩm, rau xanh phục vụ cho cúng Rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, nhiều gia đình đã đơn giản việc cúng Rằm nên mọi hàng hóa cũng không có biến động giá.
Cụ thể, thịt lợn sấn, ba chỉ, bắp giò, sườn bán ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg, tùy chợ. Thịt bò bán với giá 240.000 – 280.000 đồng/kg tùy loại. Gà trống nguyên con làm lễ có giá từ 130.000 – 150.000 đồng/kg, đắt giá ngang với dịp Tết, nhưng cũng chỉ nhích nhẹ khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg so với mấy ngày trước. Theo các tiểu thương, gà trống ta nguyên con làm lễ vẫn giữ giá là do nhiều hơn so với các mặt hàng thực phẩm khác.
Đối với mặt hàng rau xanh, thông thường, sau những ngày nghỉ Tết rau luôn tăng giá, nhưng năm nay giá rau xanh không có nhiều biến động. Bắp cải có giá bán 15.000 đồng/kg. Cải canh, cải bẹ, cải ngọt, cải ngồng có giá từ 18.000 – 20.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, mức giá này được duy trì từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Các loại hoa tươi cơ bản có giá bán ngang với ngày thường. Một số điểm cũng nhích tăng giá nhẹ. Cụ thể, hoa hồng trồng tại các nhà vườn Hà Nội có giá từ 50.000 – 70.000 đồng/chục tùy loại. Hoa cúc có giá bán từ 50.000 – 70.000 đồng/chục.
Theo ghi nhận tại chợ Thành Công chiều 18/2, giá cả các mặt hàng phục vụ cúng Rằm tháng Giêng đều bán chậm, chỉ mặt hàng hoa bán chạy. Giá một bó hoa ly là 40.000 - 50.000 đồng, hoa cúc và hoa hồng được bán với giá 5.000 đồng/bông. Trong khi đó, mặt hàng tiền vàng bán ế ẩm, giá một tệp tiền vàng tùy thuộc vào từng loại, trung bình từ 10.000 – 15.000 đồng/tệp...
Lý giải việc bán hàng chậm, chị Nguyễn Thị Hằng - người bán hàng rong tại chợ Thành Công cho biết: "Gần đây mọi người giảm đốt vàng mã nên lượng bán ra rất ít. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã cúng lễ nhiều trong dịp Tết nên ngày Rằm tháng Giêng giảm sắm sửa lễ”.