Suy kiệt tín dụng Báo cáo gửi Chính phủ của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia về tình hình kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2012 cho biết, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều biện pháp nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhưng tín dụng với nền kinh tế đến 25/7 vẫn giảm 0,1% so với đầu năm. Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - NHNN Nguyễn Thị Hồng lại thông tin, tính đến ngày 25/7, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,57% so với cuối năm 2011. Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 20/7, giảm 0,03% so với cuối năm 2011. Dù con số tăng trưởng tín dụng của 3 cơ quan này đưa ra rất khác nhau, nhưng có một thực tế là tăng trưởng tín dụng vẫn rất ì ạch và hầu như dậm chân tại chỗ. Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nền kinh tế Việt Nam đang mắc phải căn bệnh suy kiệt tín dụng. "Suy kiệt vốn dẫn đến nền kinh tế rơi vào tình cảnh kẻ có tiền thì không cho vay được hoặc không dám cho vay; người đi vay thì không thể vay nổi. Kết quả là người có tiền và người muốn vay tiền chỉ có thể "nhìn nhau qua hàng rào sắt" mà không thể vượt qua"- ông Nghĩa nhìn nhận. Tính đến hết tháng 6/2011, tín dụng ngân hàng, trong đó có nhiều "ông lớn" như Vietcombank, Vietinbank… tăng trưởng một cách lẹt đẹt, thậm chí âm. Vietcombank chỉ tăng trưởng 2,96%, tín dụng tại Vietinbank lại giảm 3,1% so với đầu năm. ACB và Eximbank cũng chỉ tăng trưởng tín dụng chưa đến 1% sau 6 tháng. Trong khi đó, hạn mức tăng trưởng của các ngân hàng này đều ở mức cao nhất 17%. Đủ "kế" kích tín dụng Để đẩy vốn ra nền kinh tế, nhiều ngân hàng đã ngồi lại bàn cách giải bài toán tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh việc hạ lãi suất, "lấy lòng" khách hàng, doanh nghiệp, cá nhân, nhiều ngân hàng còn mạnh tay chi thưởng cho người giới thiệu khách vay vốn. Từ ngày 23/7 - 30/12, với mỗi trường hợp giới thiệu thành công khách hàng sử dụng sản phẩm "Hỗ trợ Kinh doanh trọn gói" hoặc "Hỗ trợ An cư trọn gói" với số tiền giải ngân từ 500 triệu đồng (khu vực TP. HCM và Hà Nội) hoặc từ 300 triệu đồng (khu vực khác) và thời hạn vay tối thiểu 3 tháng, ACB sẽ gửi tặng khách hàng Thẻ ghi nợ nội địa có mệnh giá tương ứng mức thưởng tính trên số tiền giải ngân của khách hàng được giới thiệu. Mức thưởng này, theo nhân viên tín dụng ACB, sẽ được trích từ 10% số lãi suất mà khách hàng vay trả trong 3 tháng. Tương tự, Sacombank cũng vừa "kích thích" cho vay khi đưa ra Chương trình "Thêm bạn, thêm quà". Theo đó, một khách hàng là chủ thẻ tín dụng quốc tế của Sacombank khi giới thiệu được một khách hàng đăng ký thẻ thành công sẽ nhận được điểm tặng thưởng và được quy đổi ra thành nhiều quà tặng. Tháng 7/2012, Maritime Bank cũng cho ra mắt gói vay tiêu dùng thế chấp bất động sản cho khách hàng cư trú tại địa bàn Hà Nội và TP. HCM. Theo đó, tất cả các hồ sơ vay vốn được giải ngân trong thời gian từ 23/7 đến 23/10 sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi 0.68%/tháng trong 03 tháng đầu tiên của kỳ hạn vay. Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, trong khi tồn kho còn cao, sức mua yếu thì dù có cố gắng, tăng trưởng tín dụng cũng khó "cán đích" 17%/năm. Một cán bộ VP bank cho biết, hiện, không chỉ VP bank mà nhiều ngân hàng khác cũng đang tìm mọi cách để tạo ra các sản phẩm cạnh tranh để kích thích tín dụng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới đang có xu hướng tốt lên. Vì vậy, ngân hàng nào có chiến lược tốt vẫn có thể cho vay. Bởi vậy, từ nay đến cuối năm, cuộc chiến giành, giữ khách hàng sẽ ngày càng gay gắt giữa các ngân hàng. Cũng từ đó, khả năng cạnh tranh, sự mạnh yếu của các ngân hàng sẽ bộc lộ rõ hơn.