Cuộc chiến chưa ngã ngũ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kể từ khi đường biên giới vô hình giữa các nước trên thị trường hàng hóa toàn cầu được phá bỏ, bảo hộ và tranh chấp thương mại đã trở thành vấn đề hóc búa đối với cả bên bán lẫn bên mua.

Tuy nhiên, vì Chính phủ các nước đều muốn bảo vệ lợi ích của nền kinh tế quốc gia mà không nghĩ đến quyền lợi của khách hàng quốc tế nên hậu quả tất yếu là tất cả đều trở thành nạn nhân của cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Ngày 5/6, chỉ một ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp thuế nhập khẩu lên tới 47,6%  đối với sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ giá đối với sản phẩm rượu vang của châu Âu. Động thái “trả đũa” này của Bắc Kinh chắc chắn sẽ khiến EU mất một khoản tiền không nhỏ, trong đó Pháp sẽ là nạn nhân chịu thiệt hại nhất với 1 tỷ Euro doanh thu từ bán rượu vang cho Trung Quốc.

Cuộc chiến chưa ngã ngũ - Ảnh 1

Việc áp thuế cao đối với tôm nhập khẩu của Bộ Thương mại Mỹ sẽ gây khó khăn cho ngành tôm nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, sóng gió đã nổi lên trên thị trường thủy sản toàn cầu những ngày cuối tháng 5 vừa qua khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp đặt các mức thuế chống trợ giá tới gần 63% đối với mặt hàng tôm đông lạnh từ các nước xuất khẩu lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, đây cũng là những nước bị áp các mức thuế chống bán phá giá khác nhau từ vài năm trước. Phán quyết sơ bộ được đưa ra sau một cuộc điều tra mà DOC cho rằng, ngành công nghiệp tôm nội địa ở Mỹ bị thiệt hại do tôm nhập khẩu được trợ giá từ các nước trên. Nếu áp dụng mức thuế này, đây sẽ là một trong những lần áp thuế lớn nhất lịch sử của Bộ Thương mại Mỹ.

Dù đến ngày 26/9 tới, Ủy ban Thương mại quốc tế và DOC mới công bố kết luận điều tra cuối cùng nhưng chắc chắn phán quyết này sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ cho ngành xuất khẩu thủy sản của 5 quốc gia trên vốn đạt giá trị tới 2,3 tỷ USD trong năm 2012. Đặc biệt, đây sẽ là một đòn mạnh giáng vào các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khi phải chịu cả hai loại thuế là thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá. Mỹ đã bắt đầu thực hiện các vụ kiện chống bán phá giá tôm đông lạnh đối với Việt Nam và 11 nước khác từ năm 2003 ngay sau khi ra đòn tương tự với các loại cá da trơn. Bất chấp việc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng 7/2911 đã ra phán quyết Mỹ xâm phạm luật thương mại toàn cầu khi tính toán thuế chống bán phá giá với mặt hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, từ đó tới nay, Mỹ vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế này. Các loại thuế của Mỹ áp vào mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam và nhiều nước khác cho thấy, Mỹ vẫn dựng hàng rào mậu dịch để bảo hộ ngành nuôi tôm trong nước cho dù nước này luôn lên án các nước có hàng rào mậu dịch. Việc áp thuế đối với tôm nhập khẩu ảnh hưởng đến không chỉ ngành tôm Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu Mỹ. Ngoài ra, trong lúc tình trạng thất nghiệp chưa được cải thiện, thu nhập sụt giảm, giá cả của các loại thủy sản tăng cao sẽ tác động trực tiếp đến túi tiền và chất lượng bữa ăn của người dân Mỹ. Rõ ràng, trong cuộc chiến thương mại toàn cầu, cả bên đánh thuế lẫn bên bị đánh thuế đều phải gánh chịu những hậu quả nhất định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần