Chưa tìm ra giải pháp
Thông tin trong những ngày qua, một trong ba CLB đang thi đấu tại V-League 2023/2024 là Hà Nội FC, Thể Công Viettel và CAHN sẽ phải “chia tay” sân Hàng Đẫy khi sử dụng chung một sân đấu khiến nhiều người hâm mộ đặt sự quan tâm. Theo quy định mới của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), mỗi sân vận động chỉ cho phép tối đa hai CLB sử dụng nhằm tránh sân bị quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn các trận đấu. Điều này đồng nghĩa một trong ba CLB trên phải tìm sân mới để thi đấu ở mùa giải 2024/2025.
Trong cuộc làm việc ngày 11/3 giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và đại diện 3 CLB để tháo gỡ vướng mắc, cả ba đội đều giữ vững lập trường và mong muốn tiếp tục thi đấu trên sân Hàng Đẫy. Về quyết định xem đội nào sẽ rời đi, một số quan điểm được nêu ra như: Đội bóng nào gắn tên TP Hà Nội sẽ được ưu tiên ở lại; Đội nào có thứ hạng thấp nhất vào cuối mùa V-League 2023/2024 sẽ phải rời đi; VFF nên xin phép AFC gia hạn thêm ít nhất 1 mùa giải nữa để các đội có thời gian chuẩn bị trong trường hợp buộc phải rời sân Hàng Đẫy... Tuy nhiên, cuộc họp chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút mà không có quyết định nào được đưa ra. Tổng thư kí VFF Dương Nghiệp Khôi cho biết, hiện tại UBND TP Hà Nội chưa có giải pháp, Sở VH&TT Hà Nội cũng chưa có ý kiến. Vì thế, VFF đang làm việc theo tiêu chí của AFC và đang xin phép AFC gia hạn để có thời gian cho 3 đội bóng chuẩn bị.
Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết: “Dù sân Hàng Đẫy nằm trên địa bàn của TP Hà Nội, thuộc sự quản lý của Sở VH&TT nhưng cả 3 CLB đều không muốn rời đi. Vấn đề chính vẫn là của VFF và 3 CLB, thực hiện theo quy định của AFC chắc chắn sẽ phải có 1 đội rời đi, 3 đội bóng cần ngồi lại với nhau và thống nhất tìm hướng đi lâu dài vì mục tiêu phát triển bóng đá”.
Sân “bận rộn”, sân bỏ không
Nhìn vào lịch sử sân Hàng Đẫy, có lẽ Hà Nội FC là đội bóng có nhiều thăng trầm kể từ khi thành lập. Trải qua 18 năm thành lập, Hà Nội FC đã lựa chọn sân Hàng Đẫy là sân nhà. Cụ thể, năm 2006 Hà Nội FC thi đấu ở Giải hạng ba quốc gia và ba năm thăng liền ba hạng lên chơi ở V-League 2009, trải qua các năm thi đấu, đội bóng đã có 6 chức vô địch. Bên cạnh đó, Hà Nội FC là đội bóng đầu tư tu sửa cơ sở vật chất, chăm sóc mặt cỏ. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra về vấn đề này. Cụ thể, có ý kiến cho rằng, nhiều năm qua, thành tích của Hà Nội FC đều được đưa vào báo cáo của Sở VH&TT Hà Nội và là đội bóng đá diện của Thủ đô, cùng với đó sân Hàng Đẫy nằm trên địa bàn TP nên đương nhiêu Hà Nội FC được sử dụng. Ngoài ra, nhiều tài khoản cũng để lại ý kiến việc CLB nào có điều kiện tu sửa sân sẽ được làm sử dụng.
Trong khi đó, người hâm mộ của Thể Công Viettel và CAHN cũng cho rằng, đây là "biểu tượng" và gắn bó trong quá khứ với tên đội bóng. Tuy nhiên, nhìn lại hành trình của hai đội thì Viettel mới trở lại V-League vào năm 2019 và mới đổi tên Thể Công Viettel từ vòng 4 V-League 2023/2024 và CAHN (trước đó là CAND) thăng hạng V-League 2023 đã chuyển giao và đổi tên như hiện tại.
Nhìn ra các nền bóng đá lớn, các CLB mạnh trên thế giới đều sử dụng sân vận động riêng và đó là biểu tượng của đội bóng. Điều này không có tại Việt Nam khi kinh phí vận hành còn hạn hẹp, việc đi thuê sân là phương án tốt nhất. Việc 3 CLB chưa tìm được giải pháp, hướng đi chung là điều dễ hiểu khi việc thuê sân Hàng Đẫy với chi phí thấp hơn so với sân Mỹ Đình. Được biết, chi phí thuê sân một trận đấu tại sân Hàng Đẫy chỉ tốn 70 - 100 triệu đồng thì ở sân Mỹ Đình con số là gấp đôi. Thực tế, thời gian qua sân Mỹ Đình không được sử dụng quá nhiều trong các hoạt động thể thao. Ngoài việc tổ chức những trận đấu của tuyển Việt Nam và mới nhất là Hà Nội FC thuê làm sân nhà thi đấu tại AFC Champion League, sân Mỹ Đình còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá (mới nhất là đêm nhạc Black Pink). Rõ ràng, việc một đội lựa chọn sân Mỹ Đình là sân nhà sẽ phù hợp vào lúc này để hướng đến sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam.
Thiết nghĩ, cả 3 CLB đều không muốn rời đi tạo nên nhiều luồng ý kiến, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến CLB và bóng đá Việt Nam. Hiện tại, sân Mỹ Đình nằm trong Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình và vướng mắc trong việc việc nợ thuế nhiều năm qua. Thiết nghĩ, đơn vị quản lý sân Mỹ Đình nên tạo "cơ chế mở" trong việc chi phí thuê sân giúp các CLB tìm ra giải pháp, tháo gỡ vướng mắc.
"Cả 3 đội đều có truyền thống, lịch sử, thành tích và đóng góp cho bóng đá Việt Nam nên muốn ở lại sân Hàng Đẫy. VFF phân tích về quy định của AFC, nếu 3 đội bóng cùng thi đấu trên sân Hàng Đẫy sẽ ảnh hưởng đến giải vô địch quốc gia. Thời gian tới AFC kiểm tra chất lượng dàn đèn tại sân Hàng Đẫy không đạt yêu cầu, cả 3 đội cũng không được thi đấu tại đây. Nếu các đội muốn vươn ra khu vực, châu lục thì sân Hàng Đẫy đã không đáp ứng được yêu cầu. Đội nào phải ra đi cũng rất khó khăn, tốt nhất là 3 đội bóng ngồi lại với nhau và thống nhất. VFF đóng góp ý kiến cho các đội dựa trên tinh thần xây dựng, tìm hướng đi lâu dài vì mục tiêu phát triển bền vững" - Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú.