Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Tác động hai chiều tới Việt Nam

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau quyết định áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tuần qua, Chính quyền ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên quy mô hàng hóa trị giá 200 tỷ USD, có hiệu lực từ ngày 24/9 và mức thuế này sẽ tăng lên 25% vào đầu năm sau. Chưa hết, ông Trump còn dọa nếu Trung Quốc trả đũa, ông sẽ đánh thuế tiếp lên 267 tỷ USD hàng hóa, tức toàn bộ hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Hàng dệt may từ Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ảnh: Trần Việt.
Còn kéo dài
Động thái trên được cho là có thể làm gia tăng xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi ngay lập tức Chính phủ Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế 5 - 10% lên 60 tỷ USD hàng Mỹ. Trước đó, mỗi nước đã áp mức thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa của nhau.
Một nhà phân tích kỳ cựu cho rằng, có nhiều lý do chính trị, kinh tế và chiến lược đang đẩy hai bên đến sự đối đầu kéo dài. Bloomberg đưa tin, mặc dù Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về giải quyết tranh chấp thương mại, nhưng "đường đỏ" được hai bên phác thảo ra làm cho việc hòa giải rất khó đạt được.
Các nguy cơ đối đầu thương mại Mỹ - Trung càng được khuếch đại trước thực tế rằng, cả hai dường như tin họ rốt cuộc sẽ chiếm ưu thế. Người Mỹ nghĩ, vì Trung Quốc đang hưởng thụ thặng dư thương mại lớn trước Mỹ nên Trung Quốc chắc chắn sẽ bị tổn hại trước tiên và nhiều nhất. Trong khi đó, người Trung Quốc nhận thức được sự náo loạn chính trị ở Washington và sự nhạy cảm của cử tri Mỹ trước tình hình giá cả leo thang.
“Cả hai bên đang chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm sức mạnh. Và điều đó sẽ còn tiếp tục” - Nhà phân tích Tom McGregor viết.
 Chế biến hàng thủy sản xuất khẩu tại Công ty Godaco (Tiền Giang). Ảnh: Việt Dũng

Cơ hội và thách thức cho Việt Nam
Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư và cũng đối diện không ít thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. Ngoài cơ hội hút thêm vốn FDI, nhiều ngành hàng trong nước được dự báo có thể giành thị phần của Trung Quốc tại Mỹ.
“Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tuy không lớn song có thể tận dụng được. Năm nay, xuất khẩu sẽ tăng cao hơn một chút so với mục tiêu trên 8%” - Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – Xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) Trần Toàn Thắng chỉ ra.
Số ngành hàng của Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều bởi mức thuế 10% khá tương đồng với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ. Chẳng hạn hàng tiêu dùng, khoảng 27% tổng các mặt hàng Trung Quốc chịu áp thuế 10% thuộc ngành hàng này, trong đó có nhiều mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ, đặc biệt là may mặc, giày dép, thủy sản và nông sản. Đồ gỗ, nội thất - lĩnh vực bị áp thuế với quy mô khoảng 23 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc vào Mỹ bị ảnh hưởng toàn bộ.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo, tăng trưởng kinh tế (GDP) toàn cầu có nguy cơ sụt giảm trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại gia tăng, xuất phát từ các chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ, ảnh hưởng tới thương mại thế giới. Cụ thể, GDP toàn cầu sẽ đạt mức 3,7% trong năm 2018 và 2019, giảm lần lượt 0,1 và 0,2% so với dự báo hồi tháng 5 vừa qua.

Theo báo cáo, một trong những yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế là hoạt động thương mại tăng trưởng chậm lại, giảm từ 5% trong năm ngoái xuống còn khoảng 3% trong nửa đầu năm nay. Ngoài ra, báo cáo của OECD cũng cảnh báo căng thẳng thương mại đang làm gia tăng bất ổn, đe dọa các nền kinh tế phát triển và mới nổi khi để lại những tác động tiêu cực tới đầu tư, việc làm và điều kiện sống trên toàn cầu.
Các đơn hàng đồ gỗ, nội thất của Mỹ có thể sẽ chuyển hướng sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia... tạo cơ hội mở rộng thị phần cho đồ gỗ, nội thất của Việt Nam xuất vào Mỹ.
Ở khía cạnh ngược lại, những diễn biến mới có thể tác động tiêu cực đến thương mại Việt Nam và nguy cơ Việt Nam bị áp dụng chính sách phòng vệ của Mỹ. Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, xuất khẩu nguyên vật liệu, linh kiện từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nếu xuất khẩu của Trung Quốc yếu đi. Hàng tiêu dùng từ Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam gây bất lợi cho các DN sản xuất trong nước.
Còn theo Giám đốc phát triển và Giảng viên trường Fulbright Nguyễn Xuân Thành, đợt thuế mới của Mỹ càng khiến mâu thuẫn giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới thêm trầm trọng, điều này trước tiên có thể ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường ngoại hối và gây áp lực đối với VND. Đồng Nhân dân tệ vẫn giữ mức trượt giá cao so với đồng USD, thứ vũ khí lợi hại trong cuộc chiến thương mại mà Trung Quốc không che giấu ý định sẽ sử dụng. Theo ông Thành, có thể kiểm soát được bằng cách điều chỉnh nhip nhàng để VND xuống giá theo tình hình nhưng không để VND lên giá so với đồng Nhân dân tệ quá mức 5%.
“Nếu đồng nhân dân tệ xuống giá với USD 8% thì VND xuống giá so với USD 3%. Đây là kịch bản an toàn vì nếu lớn hơn sẽ chịu sức ép cạnh tranh với hàng Trung Quốc rất mạnh” - ông Thành lưu ý, cần tìm mọi cách để có phản ứng tỷ giá phù hợp với diễn biến mới, đặc biệt là chú ý tới dự trữ ngoại hối và thu hút thêm FDI để cải thiện cán cân ngoại hối.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Bộ KH&ĐT cho biết, kinh tế của Việt Nam được dự báo vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá. Mặc dù vậy, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và động thái của các đối tác thương mại và đầu tư chính. Nghiên cứu, đánh giá tác động và khả năng ứng phó của Việt Nam. Có biện pháp ngăn chặn gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc. Thực tế, trong xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để né cuộc chiến thương mại, nhiều DN lo ngại, nguy cơ hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ, “mượn” Việt Nam là nơi để đưa hàng qua Mỹ.