Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chiến về bản quyền: Kẻ thắng không vui, người thua chớ buồn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh đàm phán bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh gần như đã thất bại trong cuộc đấu với công ty nước ngoài MP &Silva.

Lý do thật đơn giản, MP &Silva không muốn theo luật chơi của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam nhờ sự tiếp sức của nhà cung cấp dịch vụ K+.

Canh bạc sống còn

K+ lý giải việc phải sống chết có được gói độc quyền giải Ngoại hạng là do áp lực từ khán giả. Trước khi kết thúc mùa giải 2016, khách hàng của nhà đài này đã liên tục yêu cầu phải có bản quyền Ngoại hạng. Bộ phận chuyên môn của K+ khẳng định rằng, nếu không có bản quyền, chiến lược kinh doanh của đơn vị này sẽ bị ảnh hưởng. Sự ảnh hưởng ở mức độ nào thì chưa thể đong đếm ngay lúc này. Nhưng ai cũng biết một điều, trong suốt 6 năm qua, danh tiếng của K+ gắn liền với bản quyền Ngoại hạng. Chấp nhận xé rào, đi riêng để duy trì được sức cạnh tranh trên thị trường truyền hình trả tiền vốn đầy khốc liệt, K+ sẽ phải trả những cái giá rất đắt. Đầu tiên là áp lực từ dư luận và đặc biệt là Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam vốn sẽ không ngồi yên để thành viên của mình qua mặt. Đã có những đề xuất với cơ quan quản lý nhằm cấm phát sóng giải Ngoại hạng trên lãnh thổ Việt Nam để chống lại việc K+ độc quyền.
Vấn đề bản quyền phát sóng các giải đấu bóng lớn đang làm nhức nhối các nhà đài.
Vấn đề bản quyền phát sóng các giải đấu bóng lớn đang làm nhức nhối các nhà đài.
Vì sự thành bại trong chiến lược kinh doanh, K+ chấp nhận đương đầu với sức ép dư luận. Nhưng, đó không phải là tất cả khó khăn với K+ trong canh bạc của mình. Họ sẽ phải đưa ra phương án kinh doanh nhằm bù lại khoản chi rất lớn nhằm mua bản quyền. Chưa thể xác định con số chính xác số tiền mà K+ sẽ phải bỏ ra, nhưng chắc chắn nó sẽ phải lên đến cả ngàn tỷ đồng. Chắc chắn một điều, dư luận Việt Nam sẽ không chấp nhận việc phải trả nhiều tiền hơn cho mỗi đầu thuê bao vì có bản quyền Ngoại hạng.

Ngoại hạng không phải là tất cả

K+ đang được cho là sở hữu những gói trận đấu hấp dẫn nhất của giải Ngoại hạng như thông lệ. Các nhà cung cấp dịch vụ khác sẽ nhận phần ít hấp dẫn hơn. Nhưng, câu hỏi đặt ra, liệu các nhà cung cấp dịch vụ có khủng hoảng khi K+ bằng những lợi thế của mình sẽ có được bản quyền.

Nên nhớ rằng, 6 năm qua, dù có hầu hết các giải đấu bóng đá danh giá nhưng lượng thuê bao của K+ vẫn chưa đầy 1 triệu. Con số này thấp hơn nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác. Và cũng vì điều này mà đến nay, K+ vẫn chưa có lãi. Vậy nên, nhiều người cho rằng, chưa chắc những đơn vị không có bản quyền sẽ thất bại trong cuộc chiến giành thị phần tới đây.

Một chi tiết rất đáng chú ý là để có tiền mua bản quyền Ngoại hạng Anh, K+ từ một năm trở lại đây đã cắt bớt việc sở hữu bản quyền các giải đấu khác. Họ đưa ra chiến lược rõ ràng nhằm dồn nguồn lực tài chính cho món hàng xa xỉ. Đây cũng chính là cơ hội cho các đối thủ bởi các giải đấu như: Tây Ban Nha, Đức, Italia, Pháp cũng rất hấp dẫn.

Thực tế thì vài năm qua, kênh quảng bá VTV3 của VTV đã giảm dần việc phát các giải bóng đá. Điều này ban đầu khiến dư luận sửng sốt. Nhiều người nghĩ kênh này sẽ mất khách nhưng rút cuộc, họ vẫn chiếm được sự quan tâm của dư luận nhờ việc phát hàng loạt chương trình giải trí. Vậy nên, khi không có bản quyền, các nhà cung cấp dịch vụ cũng đừng quá buồn, bởi đó là cơ hội để họ đổi mới nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của khán giả.