“Cuộc chiến” với cái ti vi!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là người ít khi quan tâm đến thế sự, vui vẻ trong cuộc sống - vậy mà trong cuộc trà sáng nay, xem ra ông Thảo lại có phần ưu tư…

Thấy lạ, mấy bạn trà quay sang lục vấn, ông Thảo lấp lửng: Gay quá các bố ạ, cứ đà này thì chả biết ai lo cho đời sống tinh thần cho công chúng đây, Tết nhất đến nơi rồi!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghe thốt ra sự lạ, các bạn trà đưa ra hàng loạt câu hỏi: Ai, cái gì, bao giờ, ở đâu? Bình tĩnh chiêu chén nước, “ăn” điếu thuốc lào, ông Thảo liệt kê: Này nhé nghệ sĩ xứ ta bệnh tật hết rồi. TL thì bị trĩ, ông VĐ - khớp gối, ông XB đại tràng… Nghe đến đây mấy người bạn trong nhóm dần lờ mờ hiểu ra cái ẩn ý của ông Thảo: Ôi dào, lão toàn vẽ chuyện, thời buổi bây giờ mấy người nổi tiếng toàn được thuê để quảng cáo thực phẩm chức năng; ốm đau ở đâu ra?

Vốn là người thâm thúy, cứ để cho mấy người bạn thoải mái phản ứng, lúc sau ông Thảo mới dấm dẳng: Chuyện tôi không “vẽ” ra được đâu nhé. Việc các nghệ sĩ của chúng ta mắc bệnh, được ti vi thông báo hàng ngày; không những thế - họ còn tự kể bệnh tình của mình ra vanh vách. Cũng may, dẫu bệnh có… nguy nan đến mấy, đều có “thuốc đặc trị”, nên rất chóng lui. Bằng không có mà liệt giường, lấy ai diễn trò “hầu” Nhân dân mỗi dịp Xuân về, Tết đến…

Nghe đến đây, mấy ông bạn trong tổ trà đã hiểu được thâm ý của ông Thảo nên thay nhau “tố khổ”. Rõ chán cho “anh”, ti vi bây giờ, cứ đến giờ đẹp là tràn ngập quảng cáo thực phẩm chức năng. Công dụng thì kêu như chuông, nhưng đến phần khuyến cáo thì nhanh như cơn gió, người dùng chả biết đường nào mà lần.

Từ quảng cáo thực phẩm chức năng, các “ẩm trà viên” còn quy cho “ông tivi” nhiều tội khác, trong đó có xuyên tạc. Bằng chứng rất rõ ràng là một số tác phẩm nổi tiếng của nền âm nhạc nước nhà bị xuyên tạc công khai. Tỉ như ca khúc “Ô mê ly” của nhạc sĩ Văn Phụng bị đem ra (hát xuyên tạc), quảng cáo cho một loại bánh. Ngay bài ca dao “anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” cũng bị xuyên tạc để quảng bá cho một loại nước mắm. Không những thế, ông ti vi cũng bị cho là “tội đồ”, khi đến bữa, nếu không có âm nhạc từ quảng cáo, là đám trẻ không chịu mở mồm ăn uống!

Sau màn “tố tội” ông ti vi, các cụ tổ trà thống nhất cùng nhau “tẩy chay” món quảng cáo của nhà đài. Quan điểm xuyên suốt được đưa ra là, trong giờ sinh hoạt gia đình không được xem ti vi, khi cho đám trẻ ăn uống, không được “kèm” quảng cáo; dần dần tách đời sống ra khỏi cái màn hình.

Nói thì dễ, nhưng ngay bữa đầu… đưa nội quy vào khuôn khổ, đứa đích tôn của ông Thảo nhất định không chịu ăn uống, nếu người lớn không cho xem quảng cáo ở ti vi. Đến giờ cơm tối, đứa con trai phải theo dõi tổng hợp tin thức bóng đá “uôn cúp”, bởi đêm nó không có thời gian xem. Dẫu chẳng mấy khi ra khỏi nhà, nhưng bà lão vẫn không muốn bỏ qua dự báo thời tiết trên truyền hình… Thế là cái quy ước “tách đời sống ra khỏi cái màn hình” xem ra khó lòng áp dụng.

Kinh tế đô thị cuối tuần