Cuộc chơi mới về bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đang đi những bước cần thiết để thành lập liên minh trong cuộc chiến giành bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh.

Một bước đi cần thiết, nhưng lại phản ánh một thực tế khác của làng truyền hình Việt Nam là không thể chạy theo những cuộc đua không có hồi kết và chẳng có cơ hội giành chiến thắng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Một trong những điểm mấu chốt mà VNPayTV đưa ra trong cuộc đấu bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh là không mua độc quyền, không mua với cái giá cao hơn quá 20% so với bản hợp đồng trước đây. Những giới hạn này được đặt ra nhằm giúp cho các đài truyền hình Việt Nam tránh cuộc đua về giá bản quyền truyền hình.

Đáng nói hơn, Hiệp hội và bản thân các nhà đài cũng xác định khả năng thị trường Việt Nam sẽ nói không với bản quyền giải Ngoại hạng Anh. Nghĩa là nếu nhà phân phối đưa ra giá quá cao, các đài sẽ cùng nhau không mua để gây áp lực ngược trở lại. Người ta cũng lấy dẫn chứng là Trung Quốc từng từ chối mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh trong vài năm vì không chấp nhận mức giá quá cao.

Chưa bao giờ các đài truyền hình ở Việt Nam lại có được tiếng nói chung cao đến vậy về vấn đề bản quyền truyền hình. Đây là một điều đáng mừng bởi nó sẽ giúp tránh khỏi một cuộc chay đua dẫn đến lãng phí về ngoại tệ. Nhưng, có một thực tế mà người ta chưa nói đến là bản thân những nhà cung cấp dịch vụ mạnh nhất trong lĩnh vực bóng đá cũng cảm thấy kiệt sức vì theo đuổi cuộc đua về giá.

Doanh thu từ việc tường thuật các trận đấu chưa thể tăng trong khi giá bản quyền tăng theo cấp số nhân khiến các đài phải tính đến bài toán kinh phí. Lúc này, bỏ cả ngàn tỷ đồng ra mua bản quyền, cộng với chi phí rất lớn về tổ chức sản xuất, phát sóng là cả một sự mạo hiểm lớn.

Các nhà quản lý đang khuyến khích các đài truyền hình áp dụng một cuộc chơi mới, đó là cạnh tranh về nội dung chứ không phải là độc quyền về bản quyền. Nghĩa là bản quyền sẽ được mua chung, sau đó san sẻ cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ. Tùy thuộc vào lượng thuê bao mà các đài đóng góp tiền mua bản quyền. Khi ấy, cùng có một nguồn nguyên liệu, đài truyền hình nào sản xuất chương trình hay thì đài truyền hình đó thu hút được khán giả và quảng cáo.

Việc các đài truyền hình hướng vào việc nâng cao chất lượng nội dung là xu thế tất yếu. Khi mà nội lực của nền kinh tế còn thấp, chi dùng của người dân đương nhiên sẽ không cao. Đó là chưa kể đến việc, tâm lý xem miễn phí đã ăn sâu vào tiềm thức của người xem truyền hình Việt Nam. Muốn thay đổi thói quen phải có thêm thời gian và các đài truyền hình cần phải có một chiến lược kinh doanh thật sự linh hoạt.

Cạnh tranh về nội dung thay vì ném tiền vào các cuộc đua bản quyền ngoài việc tiết kiệm được về tài chính còn tạo ra sự sáng tạo ở mỗi nhà cung cấp dịch vụ. Họ phải nâng cao trình độ nhân lực, cải thiện trang thiết bị và đương nhiên, điều này sẽ tạo ra động lực cho truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển. Tính ra, sự thay đổi về chiến lược ấy hữu ích không chỉ cho người xem khi phải trả mức phí chấp nhận được mà còn giúp các đài truyền hình định vị được hướng đi cho bản thân mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần