Việc chấp nhận đau đầu xoay xở hàng nghìn tỷ đồng tất toán trái phiếu cho thấy DN có vẻ đang “run” với những động thái mạnh tay, đưa kênh huy động vốn này vào khuôn khổ của các cơ quan quản lý. Thị trường TPDN theo đó cũng được dự báo sẽ kém sôi động hơn.
Chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu chưa đến hạn
Sau vụ hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu trị giá gần 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và có lệnh nóng từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước là xử nghiêm vi phạm phát hành trái phiếu DN, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tiếp tục được các DN thực hiện với khối lượng lớn.
Từ ngày 11/6 - 30/7, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ mua lại hơn 4.000 tỷ đồng trái phiếu DN. Đây là trái phiếu có kỳ hạn 7 năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, được phát hành và thanh toán VNĐ.
Ngày 27/5, Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) do ông Nguyễn Văn Tuấn làm Tổng Giám đốc cũng thông báo phương án mua lại 3 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá 1.200 tỷ đồng. Các trái phiếu này đượt phát hành vào năm 2020 và 2021, tất cả đều có kỳ hạn 3 năm. Ngày tổ chức mua lại là 8/6 và 17/6/2022. Trước đó vào ngày 19/5 mới đây, Gelex đã mua lại một lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng chưa đầy hai tháng, Gelex tổ chức 4 đợt mua lại trái phiếu với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, DN có vẻ rất vội vàng, nôn nóng với việc tất toán trái phiếu sau các động thái mạnh nhằm minh bạch thị trường của các cơ quan chức năng. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh mới phục hồi trong “bình thường mới”, khá ngạc nhiên khi những lô trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng được DN cấp tập công bố mua lại dù chưa đến hạn.
Cụ thể, Công ty Intimex Việt Nam mua lại trước hạn gói 2.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ đáo hạn vào tháng 9/2027. Ngân hàng Hàng Hải (MSB) mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào tháng 4/2023. Công ty CP An Phát Finance tất toán trước hạn toàn bộ 7 lô trái phiếu có tổng giá trị 570 tỷ đồng.
Theo báo cáo thị trường TPDN quý I/2022 của Công ty Chứng khoán SSI, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn cũng được các DN thực hiện với khối lượng lớn. Trong 3 tháng đầu năm 2022, khối lượng mua lại trước hạn là 12,8 nghìn tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng khối lượng trái phiếu đã mua lại trước hạn là 24,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11,9 nghìn tỷ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý I.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh các DN mới phục hồi sản xuất, kinh doanh do Covid-19 hiện nay, việc tất toán TPDN có vẻ “cực chẳng đã”. Đặc biệt, rất nhiều DN có tình hình tài chính không mấy khả quan, xoay xở được hàng nghìn tỷ đồng để trả nợ khách hàng mua trái phiếu hoàn toàn không phải là một bài toán đơn giản. Câu chuyện “giật gấu vá vai” rất có thể sẽ xảy ra.
Tại Gelex, tính đến hết quý I/2022, vay và nợ thuê tài chính hơn 22.773 tỷ đồng, chiếm 57% nợ phải trả. Khoản mục này làm chi phí lãi vay tăng cao, cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN theo đó leo thang đáng kể so với cùng kỳ. Trong đó, vay ngân hàng khoảng 14.779 tỷ đồng và vay bằng trái phiếu dài hạn khoảng 6.769 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2021, Gelex đã phát hành hai đợt trái phiếu và huy động 1.800 tỷ đồng.
Doanh nghiệp chùn tay, cuộc chơi kém sôi động?
Định hướng thắt chặt khiến nhiều DN dè dặt trong việc huy động vốn qua kênh trái phiếu, chủ động công bố thông tin bất thường hoặc đính chính thông tin đã công bố về mục đích và phương án sử dụng vốn, chủ động mua lại trước hạn...
Theo các chuyên gia, sau các động thái có phần cứng rắn từ Chính phủ trong việc lập lại trật tự và tăng cường tính minh bạch, công khai thì hiện nay các DN hiện đang trì hoãn kế hoạch phát hành nhằm chờ đợi hướng dẫn cụ thể hơn từ Chính phủ.
Khối lượng phát hành trong quý I/2021 là tương đối thấp khi các DN điều chỉnh phương án phát hành nhằm phù hợp với các văn bản pháp luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 như Luật Chứng khoán 2019 hay Nghị định 153/2020 và Nghị định 155/2020. Nếu so sánh theo quý, lượng phát hành trong quý I đã giảm hơn 74% so với quý IV/2021, cho thấy hoạt động trên thị trường sơ cấp đã kém sôi động hơn.
Những thay đổi về quy định pháp lý tác động mạnh đến thị trường, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến từ các chuyên gia về dự thảo sửa đổi lần thứ 5, bổ sung Nghị định 153 và thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường, với nhiều quy định chặt chẽ sẽ khiến nhiều DN buộc phải rời cuộc chơi phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Các chuyên gia SSI cho rằng, thị trường TPDN sẽ kém sôi động hơn ít nhất trong quý II trước khi có các chính sách rõ ràng hơn từ Chính phủ sau sự cố Tân Hoàng Minh và các động thái siết chặt của Chính phủ trên thị trường TPDN riêng lẻ.
Về công khai thông tin phát hành của DN, các chuyên gia phân tích cho rằng, chuyên trang thông tin về trái phiếu DN tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) cần được cung cấp thêm các thông tin như mục đích phát hành, lãi suất phát hành, các đơn vị trung gian tham gia vào hoạt động phát hành thay vì chỉ có những thông tin cơ bản như khối lượng và kỳ hạn như hiện tại. Kế hoạch triển khai Sàn giao dịch TPDN cần được nhanh chóng tiến hành nhằm yêu cầu các DN có thể cung cấp thông tin một cách chuẩn hóa và dễ dàng tiếp cận đến nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ tạo điều kiện nhằm có thể điều hướng luồng vốn thông qua các tổ chức trung gian (quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp,…). Phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm cũng là một yếu tố cần được xem xét, giúp thị trường có thêm nhiều thông tin hơn.
Một số điểm sửa đổi bổ sung quan trọng của Nghị định 153, có thể tác động mạnh đến thị trường TPDN:
- DN không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của DN khác, hoặc cho DN khác vay vốn.
- DN phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn khi có yêu cầu, trong trường hợp vi phạm không thể khắc phục được.
- Thêm nhiều điều kiện về tỷ lệ an toàn tài chính.
"Các động thái gần đây của Chính phủ nên được nhìn nhận là cách để có thể thanh lọc thị trường tốt hơn, hạn chế sự tham gia của các DN yếu kém, chống gian lận và tạo môi trường tích cực cho các DN tốt tham gia thị trường. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, bản chất vận hành của thị trường TPDN là thị trường vốn, nghĩa là có rủi ro và lợi nhuận được định giá trên cơ sở rủi ro. Do vậy, điều quan trọng là có các cơ chế để tăng cường tính minh bạch hóa của thị trường, giúp nhà đầu tư có thể đánh giá tốt hơn những rủi ro có thể gặp phải." - Báo cáo thị trường TPDN quý I/2022 của SSI