“Điện Biên Phủ trên không”

Cuộc đấu trí, trận đánh được chuẩn bị từ nhiều năm trước

Nguyên Thanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Đại tá Phan Huyền Cơ, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Binh chủng Radar, nguyên Chính ủy Trung đoàn 291 (Binh chủng Radar) trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12/1972.

Vạch nhiễu tìm thù

Thưa ông, chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đã tròn 50 năm. Là người trực tiếp tham gia chiến dịch này trong đội hình Binh chủng Radar thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), chắc là dịp này những ký ức trận mạc lại trở về với ông?

- 50 năm rồi. Nhanh thật. Tháng 5/1972, Trung đoàn 291 lúc này đang đứng chân ở Hải Phòng được điều vào Nghệ An, được tăng cường thêm ba đại đội từ Trung đoàn 290 từ Quảng Bình, Hà Tĩnh ra nhằm tăng cường bảo đảm radar cho tác chiến phòng không bảo vệ Hà Nội. Chúng tôi cũng được tăng cường thêm khí tài, thay 15/16 bộ radar P-15.

Đại tá Phan Huyền Cơ, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Binh chủng Radar, nguyên Chính ủy Trung đoàn 291 (Binh chủng Radar).
Đại tá Phan Huyền Cơ, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Binh chủng Radar, nguyên Chính ủy Trung đoàn 291 (Binh chủng Radar).

Vào địa bàn mới chúng tôi nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ. Trung đoàn tổ chức đội hình sử dụng radar có cả chiều rộng và chiều sâu, bổ trợ cho nhau khi địch gây nhiễu mạnh, theo chiến thuật xa bù gần, sau bù trước, hai bên sườn bổ trợ chính diện.

Đặc biệt, cùng với các đơn vị khác trong binh chủng, chúng tôi tăng cường huấn luyện phương pháp, quy trình xử lý thao tác phát hiện B52, chống nhiễu và chống Sơrai (AGM-45 Shrike là tên lửa chống radar của Mỹ), để chuẩn bị cho nhiệm vụ phát hiện B52 của Mỹ có thể đánh vào Hà Nội theo nhận định của cấp trên.

Ngày 22/11/1972, Đại đội 45 thuộc Trung đoàn 291 đã phát hiện kịp thời để bộ đội tên lửa bắn rơi 2 máy bay B52, trong đó có 1 chiếc rơi ở Nam Nakhom phanom (Lào). Tinh thần bộ đội rất tốt, vừa chiến đấu vừa tiếp tục huấn luyện thành thạo phương pháp “bắt” B52, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ khó khăn và phức tạp hơn.

Và đơn vị ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội?

- Tôi nghĩ là đơn vị chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và có những đóng góp trong chiến dịch đó.

Ngày 15/12/1972, Trung đoàn 291 nhận lệnh của Quân chủng và Binh chủng chuyển vào trạng thái chiến đấu cấp 1, sẵn sàng phát hiện B52. Ngày 18/12/1972, cường độ hoạt động của máy bay địch trên địa bàn Quân khu 4 bỗng giảm đi đột ngột. Tư lệnh Quân chủng chỉ thị cho lực lượng radar phải tổ chức trực ban chặt chẽ, tăng cường trắc thủ giỏi cho các kíp chiến đấu, có kế hoạch mở máy tăng cường kịp thời, hết sức đề phòng B52.

18 giờ 15 phút, tất cả các đài radar phát sóng đều bị nhiễu và cường độ nhiễu tăng nhanh. Trung đoàn trưởng là anh Đỗ Văn Năm ra lệnh cho cho đài radar chủ công của đại đội 45 mở máy tăng cường.

19 giờ 8 phút, Đại đội 16 đóng ở Diễn Châu (Nghệ An) phát hiện được nhiễu B52. Tiếp đó kíp chiến đấu của Đại đội 45 đóng ở Đô Lương gồm đài trưởng Nghiêm Đình Tích và các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích đã nhanh chóng phát hiện những dải nhiễu B52 ở hướng Tây Nam Đô Lương (Nghệ An), trên vùng trời Lào. Kíp chiến đấu phát hiện nhiều tín hiệu B52 xuất hiện trên không phận Lào, từng tốp 3 chiếc một đang hướng về phía Tây Bắc nước ta.

Kíp chiến đấu, với kinh nghiệm chiến đấu của mình, đã khẳng định và báo cáo sở chỉ huy trung đoàn: “B52 có khả năng vào miền Bắc”. Tại sở chỉ huy trung đoàn, Trung đoàn trưởng Đỗ Văn Năm báo cáo về Tổng trạm radar quân chủng: “B52 đang bay vào Hà Nội”. Thông tin này lập tức được Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) báo cáo Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư đồng thời phát lệnh báo động cho Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và một số tỉnh miền Bắc.

Từ 19 giờ 40 phút ngày 18/12/1972 đến rạng sáng ngày 19/12/1972, địch đã huy động 90 lần chiếc B52, 135 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh liên tiếp ba đợt vào Hà Nội và vùng phụ cận; 28 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh vào Hải Phòng.

Các lực lượng PK-KQ đã giành thế chủ động, đánh địch quyết liệt ngay từ trận đầu, bắn rơi 3 máy bay B52, 3 máy bay chiến thuật.

Chúng ta đã “vạch nhiễu tìm thù” thành công. Các lực lượng phòng không đã không bị bất ngờ, chủ động phản công thắng lợi. Kể từ đó, trong chiến dịch này, trung đoàn 291 đã càng đánh càng trưởng thành, tinh tường hơn, phát hiện được 151/165 lần tốp B52 của toàn binh chủng, góp phần vào chiến công chung của toàn quân chủng PK-KQ. Đúng là trưởng thành trong chiến đấu, chiến đấu sẽ trưởng thành.

Ông có thể nói thêm về kíp chiến đấu của Đại đội 45 trong trận đầu đó?

- Khẳng định được B52 đánh vào Hà Nội, thông báo sớm để các đơn vị chủ lực chủ động tiêu diệt địch, công đầu thuộc về kíp chiến đấu của Đại đội 45, Trung đoàn 291.

Đây hoàn toàn không ngẫu nhiên. Như tôi đã nói, khi có lệnh của binh chủng tăng cường các kíp chiến đấu, các trắc thủ giỏi trực chiến khi dự báo đêm ngày 18/12/1972 địch có thể đưa B52 vào đánh Hà Nội, chỉ huy trung đoàn, các đại đội đã chấp hành và lựa chọn những kíp chiến đấu giỏi nhất, có kinh nghiệm nhất vào đánh trận đầu.

Kíp chiến đấu của Nghiêm Đình Tích, và đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần nữa, đã có kinh nghiệm phát hiện B52 hoạt động ở phía Nam Quân khu 4 từ năm 1969, đã từng tham gia dẫn đường cho máy bay ta bắn trúng B52 trong trận 20/11/1971; đồng thời trực tiếp bảo đảm radar cho trung đoàn tên lửa 236 bắn rơi B52 trong trận 22/11/1972 và đã có kinh nghiệm chống nhiễu phát hiện B52 đánh khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Trong trận đầu ngày 18/12/1972, các đồng chí ấy đã thao tác quy trình chống nhiễu B52 một cách xuất sắc, nhanh chóng phát hiện và nhận định chính xác, báo cáo kịp thời.

Tầm nhìn chiến lược, dự báo sáng suốt

Trận đánh lịch sử đã có độ lùi 50 năm, là một người trong cuộc, nhìn lại, nhớ lại, ông có ấn tượng sâu sắc nhất điều gì?

- Tôi gắn bó với lực lượng bộ đội radar từ những ngày đầu thành lập lực lượng. Lúc tham gia chiến dịch phòng không năm 1972, tôi chỉ là sĩ quan chỉ huy cấp trung đoàn. Sau đó, tôi vào chiến trường miền Nam, trong đội hình tiền phương của Quân chủng PK-KQ. Có thể nói là cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được những ký ức về cuộc chiến đấu 12 ngày đêm đánh B52 năm 1972 và vẫn khiến tôi suy nghĩ vì sao quân dân ta đã chiến thắng oanh liệt đến như vậy.

Nguyên nhân thắng lợi thì có nhiều. Nhưng theo tôi, trước hết, là nhờ Bác Hồ, Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư, Bộ Tổng tư lệnh đã có một tầm nhìn chiến lược, một dự báo sáng suốt để có một kế sách đối phó rất căn cơ, bài bản và thích hợp. Từ năm 1962, Bác đã nghĩ đến B52 sẽ là “át chủ bài” quyết định số phận cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ và nhắc nhở các chỉ huy lực lượng phòng không còn non trẻ lúc bấy giờ phải chú ý nghiên cứu để chủ động đối phó.

Ngày 18/6/1965, lần đầu tiên Mỹ đưa B52 ném bom chiến trường miền Nam. Chỉ 1 tháng sau, Bác tiếp tục dự báo Mỹ sẽ sử dụng B52 và chỉ thị: “…dù chúng có B57, B52 hay B gì đi nữa, chúng ta cũng đánh mà đã đánh nhất định thắng”. Ngày 12/4/1966, Mỹ đưa B52 đánh ra đèo Mụ Giạ (Quảng Bình) thì khả năng đó lộ diện rõ hơn. Quyết tâm đánh và đánh thắng B52 cũng lớn hơn.

Thực hiện quyết tâm đó, từ tháng 4/1966, Quân chủng PK - KQ đã đưa lực lượng tên lửa vào Vĩnh Linh để tìm cách đánh B52. Ngày 17/9/1967, bộ đội tên lửa ở Vĩnh Linh đã bắn rơi được 2 chiếc B52. Từ đó, cả quân chủng PK - KQ, các cơ quan tham mưu, khoa học kỹ thuật của Bộ Quốc phòng đã nỗ lực, kiên trì nghiên cứu tính năng, tác dụng và thủ đoạn, quy luật hoạt động của B52 để tìm ra cách đánh.

Đối với bộ đội radar, cũng ngần ấy năm kiên trì để tìm ra cách chống nhiễu, chống tên lửa Sơrai của không quân Mỹ, tìm ra phương pháp phát hiện B52. Cùng theo đó là quá trình đào tạo, rèn luyện kỹ năng, ý chí và nghệ thuật chiến đấu của bộ đội từ quy trình thao tác chiến đấu đến ngụy trang, nghi binh...

Để đánh thắng trong chiến dịch lịch sử này, tôi nghĩ đó còn là bởi Quân ủy T.Ư, Bộ Tổng tư lệnh, Quân chủng PK–KQ nhận định chính xác chính hướng tập kích và đường bay của B52 vào Hà Nội sẽ là hướng Tây Bắc và Tây Nam. Nhận định này hình thành trên cở sở nghiên cứu rất kỹ, rất toàn diện về địch và điều kiện chiến trường; Là cơ sở để bố trí, điều chỉnh lực lượng, tạo ra thế trận phòng không nói chung, radar nói riêng một cách liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu và bề rộng hợp lý một cách khoa học nhất, hiệu quả chiến đấu cao nhất.

Ngay trước thềm cuộc chiến mấy ngày, Bộ Tổng tư lệnh, Quân chủng PK-KQ cũng đã dự báo chính xác Mỹ có thể dùng B52 tấn công Hà Nội.

Cuộc chiến 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội là một cuộc đấu trí với Mỹ, là một trận đánh quyết định được chuẩn bị từ nhiều năm trước và cuối cùng chúng ta đã thắng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

"Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ từng đồng đội của tôi, nhớ từng trận địa, trận đánh của bộ đội radar 291 năm đó; vẫn chưa hết xúc động và tự hào vì trung đoàn chúng tôi đã “vạch nhiễu tìm thù”, góp phần ““Không để cho Tổ quốc bị bất ngờ” trong thời điểm quyết định đó." - Đại tá Phan Huyền Cơ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần