Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc đua giữa hai gã khổng lồ châu Á

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 29/5, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 3 ngày (27 - 29/5), Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh có cuộc hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Shinzo Abe nhằm bàn thảo các biện pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và thu hút đầu tư.

 Tuy nhiên, trong bối cảnh cấu trúc sức mạnh mới đang hình thành giữa các lực lượng chiến lược tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ý nghĩa chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ đã vượt xa khuôn khổ của các hợp đồng kinh tế.
 
Không phải ngẫu nhiên khi Thủ tướng Singh tới Tokyo chỉ vài ngày sau buổi tiếp đón người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường, còn ông Abe vừa có chuyến công du Myanmar thành công ngoài mong đợi, cho thấy sự đua tranh rõ ràng của hai nước trong bản đồ chính trường, thị trường khu vực.
 
 
Cuộc đua giữa hai gã khổng lồ châu Á - Ảnh 1
 
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.  Ảnh: BBC
 
 
Ngay cả thành phần đoàn Ấn Độ sang thăm Nhật Bản lần này đã cho thấy mục tiêu mở rộng luồng đầu tư Nhật Bản vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như hành lang công nghiệp Mumbai - Delhi. Ngoài ra, Ấn Độ cũng không hề giấu giếm tham vọng sẽ tăng cường hợp tác với Tokyo trong lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng hạt nhân, đề xuất mua thủy phi cơ US-2 do Nhật Bản chế tạo.Việc một trong những nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhất ở châu Á và Nhật Bản - quốc gia đang nhanh chóng tìm cách lấy lại vị thế nhờ các chính sách của Nội các mới được đánh giá là động thái tích cực.
 
Mong muốn sát lại gần nhau giữa Tokyo - New Dehli không chỉ là yêu cầu tự thân và cần thiết cho cả hai bên, mà còn là động lực cho việc hình thành không gian kinh tế chung của châu Á. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ thực thi cuộc xoay trục chiến lược và "trở lại châu Á", dù không có quan hệ trực tiếp về địa lý, nhưng vị thế về kinh tế đã khiến sự xích lại giữa Nhật Bản - Ấn Độ đã trở thành mục tiêu trong chiến lược riêng của Trung Quốc, Mỹ.
 
Đặc biệt, trong cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ tại châu Á, Tokyo và New Dehli sẽ phải cân nhắc nhiều hơn về việc có nên xây dựng liên minh đối chọi với Trung Quốc - quốc gia đang có nhiều mâu thuẫn với cả hai bên hay không. Rõ ràng giữa Ấn Độ - Nhật Bản còn rất nhiều vấn đề cần phải lưu tâm nên dù đưa ra những tuyên bố đầy lạc quan về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nhưng chuyến thăm của Thủ tướng Singh được cho là khó xoa dịu những tình huống căng thẳng phát sinh gần đây và càng không có khả năng giải quyết các mâu thuẫn do lịch sử để lại.