Mới đây, Tổng Giám đốc Công ty VinCommerce Trương Công Thắng, hệ thống nhà bán lẻ này đưa ra định hướng sẽ đạt gần 10.000 điểm bán nội địa (cửa hàng VinMart+) và hơn 300 siêu thị VinMart trong vòng 5 năm tới. Trong 9 tháng đầu năm 2020, báo cáo tài chính của VinCommerce đã đạt doanh thu đến 23.678 tỷ đồng, tăng 56,5% so với cùng kỳ 2019.
Chiến lược mở rộng điểm bán
Saigon Co.op đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới tối thiểu đạt 2.000 điểm bán và doanh thu tăng trưởng bình quân từ 8%-10%/ năm trong vòng 5 năm tới. Hiện nay, bình quân mỗi năm Saigon Co.op phát triển thêm 116 điểm bán và đến hiện tại đã phát triển được 849 điểm bán tại 43 tỉnh, thành, thu hút khách hàng đến mua sắm đạt 350.000 lượt/ngày, tăng 26% so với cách đây 5 năm.
Động thái khác, Satra là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu TP Hồ Chí Minh cho biết mục tiêu của họ đến năm 2025 là sẽ có thêm 5 siêu thị Satramart; 4 Trung tâm thương mại Centre Mall; tùy vào tình hình thị trường sẽ duy trì từ 150-250 cửa hàng mang thương hiệu Satra.
Ngoài ra, chuỗi hệ thống bán lẻ Nhật Bản cũng không ngừng thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất của Nhật là Matsumoto Kiyoshi đã mở cửa hàng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 10/2020. Trước đó, hãng Muji – hãng bán lẻ hàng đầu Nhật Bản cũng chính thức mở cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 7/2020.
Bên cạnh đó, hãng bán lẻ thời trang Uniplo cũng đã khai trương cửa hàng thứ 2 vào tháng 5/2020. Hay hãng bán lẻ Aeon cũng đang khảo sát cho xây dựng trung tâm thương mại thứ 3 vào năm 2021 tại TP Hồ Chí Minh, thậm chí họ còn dự kiến vận hành 25 trung tâm thương mại ở Việt Nam đến năm 2025 với nguồn vốn lên đến 2 tỷ USD.
Như vậy, các “ông lớn” bán lẻ khối nội địa cũng như khối ngoại đang cho thấy “tham vọng” mở rộng thị trường tại Việt Nam nhằm duy trì vị thế của mình trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các tên tuổi lớn của khối ngoại như Aeon, Lotte, Bic C, Mega Market …
“Sau khi dịch bệnh Covid-19 đã phần nào được kiểm soát và thị trường đang dần hồi phục thì đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi” đối với các tập đoàn bán lẻ Nhật mở mô hình kinh doanh của họ tại Việt Nam”, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ..
Tranh giành thị phần khốc liệt
Theo giới phân tích, cuộc đua mở rộng thị phần giữa các nhà bán lẻ sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và khốc liệt hơn trong các năm tới, nhiều nhà đầu tư ngoại thể hiện rõ tham vọng “lấn sân” tại thị trường Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp nội cũng toan tính để giữ vững thị phần.
Số lượng cửa hàng tiện lợi đã được đánh dấu mức tăng trưởng tới 60%, trong năm 2019 đạt gần 2.495 thì từ đầu năm 2020 đến nay đạt 5.228 cửa hàng. Còn các cửa hàng nhỏ được ghi nhận có mức tăng trưởng nhẹ. Tuy nhiên, các trung tâm thương mại thì lại tăng trưởng khoảng 11%, tăng 11 trung tâm trong 1 năm qua (từ 96 lên 107 trung tâm).
Mặc dù doanh số bán lẻ đang tập trung chủ yếu tại các điểm thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm, tuy nhiên với tốc độ đô thị hoá như hiện nay, các thành thị cấp 2 sớm trở thành động lực tăng trưởng chính cho các doanh nghiệp bán lẻ.
Như dự báo của giới chuyên gia, phần lớn thị phần doanh số bán lẻ đang tập trung tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm, nhưng trước mức độ gia tăng tốc đô thị hóa, các thành thị cấp 2 sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho các doanh nghiệp bán lẻ thay cho các thành phố lớn như hiện nay.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội địa đã dần hoàn thiện mô hình bán hàng, và đang nhanh chóng nhân rộng ra các khu vực lân cận thành phố lớn. Minh chứng khá rõ ràng đến từ số liệu của Bách Hoá Xanh cho thấy các cửa hàng ngoại thành mang lại doanh thu lớn với tốc độ tăng trưởng cao hơn nội thành.
Việc mở rộng quy mô mạng lưới giúp cho các doanh nghiệp bán lẻ nội địa tăng cường được vị thế đàm phán với khách hàng và với nhà cung cấp. Độ phủ lớn củng cố sức mạnh thương hiệu của doanh nghiệp, độ co giãn về giá của khách hàng thấp hơn, giảm áp lực cạnh tranh giá bán.
Riêng về số siêu thị trong năm nay, theo chuyên gia bán lẻ Nguyễn Văn Thịnh: “So sánh với năm 2019, số lượng siêu thị trong năm 2020 đã giảm 20% – từ 336 xuống 330. Mức giảm này chủ yếu đến từ việc Vinmart đã đóng cửa một số siêu thị của họ.
Trong khi đó, số lượng cửa hàng tiện lợi đã đánh dấu mức tăng trưởng tới 60% – từ 2.495 trong năm 2019 lên 5.228 cửa hàng trong năm 2020. Điều này có được từ nỗ lực mở cửa hàng mới của Vinmart+ lẫn Bách Hoá Xanh.
Còn các cửa hàng nhỏ được ghi nhận có mức tăng nhẹ vào năm 2020. Riêng các trung tâm thương mại thì trong năm 2020 tăng trưởng khoảng 11% từ 96 trung tâm vào năm 2019 đến năm 2020 đã tăng lên 107 trung tâm”.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Văn Thịnh, dù năm 2020 xuất hiện đại dịch Covid-19, có nhiều biến động nhưng Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong những năm vừa qua. Tính cạnh tranh trong thị trường cũng vì vậy mà ngày một khốc liệt hơn.