Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc sống mới của người Dao ở Ba Vì

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về xã Ba Vì, huyện Ba Vì hôm nay mới thấy được cuộc sống đổi thay của bà con dân tộc người Dao sau 5 năm hợp nhất về Hà Nội. Những con đường bê tông rộng rãi, những ngôi nhà kiên cố mọc lên xen lẫn màu xanh bát ngát của rừng bương, bãi sắn, đồi chè… Một cuộc sống ấm no đang hiện hữu từng ngày.

Sau 5 năm hợp nhất, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của TP, chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội, cuộc sống của người dân trong huyện được nâng lên rõ rệt. Anh Triệu Đức Thanh - thôn Hợp Nhất, hộ mới thoát nghèo năm 2012 phấn khởi chia sẻ: "Năm 2008, sau khi hợp nhất về Thủ đô, gia đình tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội TP cho vay 15 triệu đồng, cộng với số vốn tích cóp, tôi đã xây dựng được ngôi nhà để ở. Nhờ chăm chỉ làm ăn, mở rộng diện tích trồng sắn, đót, bương, măng, năm 2012, vợ chồng tôi trả hết nợ, gia đình thoát nghèo, hai con được đi học, cuộc sống đã đỡ vất vả".

 
Cuộc sống mới của người Dao ở Ba Vì - Ảnh 1
Nghề bốc thuốc Nam giúp gia đình chị Triệu Thị Diễn, thôn Hợp Sơn thoát nghèo cuộc sống ổn định
Chị Triệu Thị Diễn - thôn Hợp Sơn vui mừng tâm sự: Trước đây, do không có ruộng để trồng lúa nên vợ chồng chị phải lên rừng hái lá thuốc, tự chế biến. Nhờ tạo được uy tín chữa khỏi nhiều bệnh cùng với sự hỗ trợ của xã cấp đất sản xuất để trồng cây thuốc mà gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Nghề bốc thuốc Nam đã mang lại thu nhập cho gia đình chị từ 40 - 50 triệu đồng/năm.

Ông Dương Trung Liên - Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết: Xã có 340 ha đất nông nghiệp, với 457 hộ sản xuất. Ngoài trồng lúa, măng, chè, sắn… Hiện, xã đang xây dựng dự án trồng cây thuốc Nam, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Thu nhập từ cây thuốc Nam đạt 300 triệu đồng/năm, chiếm 30% cơ cấu kinh tế của xã. Từ năm 2008 đến nay, xã đã mở 3 lớp học nghề thuốc Đông y, 2 lớp học làm chổi chít, 2 lớp học nghề may, đào tạo cho gần 300 học viên. Anh Triệu Minh Tuấn, trưởng thôn Hợp Sơn hồ hởi nói: "Nghề làm chổi chít dù mới du nhập từ Hòa Bình về xã được 2 tháng nay nhưng đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động với ngày công 70.000 đồng/người/ngày".    

Ông Dương Trung Liên cho biết thêm: Từ năm 2008 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội hỗ trợ bà con vay vốn làm nhà xuống cấp và chăn nuôi với số vốn 7,7 tỷ đồng, trong đó 2,8 tỷ đồng cho 135 hộ nghèo trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được chú trọng với sự phát huy hiệu quả khám chữa bệnh của thẻ BHYT tế cho người nghèo. Do đặc thù xã có 98% là bà con dân tộc Dao nên xã thường xuyên vận động bà con gìn giữ bản sắc văn hóa…

Trong thời gian tới, xã Ba Vì mong muốn được TP đầu tư hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng diện tích đất sản xuất, triển khai dự án trồng cây thuốc Nam, tạo thêm nhiều việc làm giúp bà con tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.