Cước taxi vẫn cao ngất ngưởng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 12 lần giảm liên tiếp, giá xăng hiện tại đã thấp hơn đầu năm 2015 trên 30%. Song song với nhịp độ dao động của giá xăng là nghịch lý cước taxi vẫn đứng lì một chỗ.

Taxi trả khách tại Trung tâm thương mại Royal city.	 Ảnh: Chiến Công
Taxi trả khách tại Trung tâm thương mại Royal city. Ảnh: Chiến Công
Bảng giá cước của đại bộ phận các hãng taxi tại Hà Nội nói chung đang dao động từ 11.000 - 14.000 đồng/km đối với xe 4 chỗ; thế nhưng, theo tính toán của chính các lái xe taxi thì chi phí nhiên liệu họ phải trả chỉ từ 1.700 - 2.000 đồng/km. Nghịch lý này đang làm dấy lên nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Hầu hết DN taxi trong những lần giảm giá xăng trước đều viện lý do giá xăng bất ổn, lúc tăng lúc giảm, khó xác định khung giá cước “cứng”, lâu dài; hay việc thay đổi giá cước kéo theo chi phí lớn cho việc thay thế bảng niêm yết, cân chỉnh đồng hồ….
Các DN taxi phải ngồi lại với nhau, hiệp thương chia sẻ thị phần phục vụ để tránh tình trạng mật độ taxi phân bố không đều, dẫn đến cả làng cùng kéo nhau… ế khách. Bên cạnh đó, các hãng taxi cần áp dụng tốt hơn nữa công nghệ thông tin vào kinh doanh, dịch vụ để giảm giá thành vận tải.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội 

Bùi Danh Liên

Dư luận có lúc cũng đã tỏ ra cảm thông với những lý lẽ này. Tuy nhiên, sự cảm thông đã đạt đến giới hạn. Nguyên Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Tây (cũ) Đặng Chí Nga nhận định: “Dịch vụ taxi của nước ta quá đắt đỏ, cần giảm ngay để đảm bảo lợi ích hành khách”. Cũng theo ông Nga, nhiều DN taxi hiện nay gần như chỉ bán hoặc cho thuê thương hiệu, phương tiện do lái xe góp vào, hoặc lái xe chịu mức ăn chia ngặt nghèo, thuê phương tiện của DN để làm kế sinh nhai. Doanh thu càng lớn, chi phí nhiên liệu càng thấp thì DN càng được lợi, mất thị phần hay bị hành khách quay lưng lại là việc của lái xe, DN ngồi im hưởng lợi. “Do đó, cước taxi “đứng lì” là do DN cố tình giữ chặt, bản thân người lái xe và hành khách đều bị họ chi phối” - ông Nga phân tích.

Lý giải tình trạng giữ giá cước, một lái xe hãng taxi Mai Linh cho biết: “Do kilômét vận hành "rỗng", không có khách quá lớn nên tuy giá cước cao nhưng lời lãi chúng tôi chẳng được bao nhiêu”. Trên thực tế, mật độ taxi tại Hà Nội và các TP lớn quá dày đặc. Mật độ taxi dày, cung vượt quá cầu thì tất yếu số kilômét vận hành “rỗng” tăng lên, DN taxi phải tận thu từ hành khách để tăng lợi nhuận. Hành khách cũng chỉ biết chấp nhận giá cước và trông chờ vào sự điều chỉnh của cơ quan quản lý, nói cách khác là chủ động chấp nhận nghịch lý cước taxi hiện nay. Bên cạnh đó, việc quản lý mối quan hệ kinh tế theo cơ chế thị trường thiếu linh hoạt, thiếu các biên độ dao động cần thiết để ứng phó với sự bất ổn của giá nhiên liệu từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng tạo ra nhiều lỗ hổng cho các DN taxi lợi dụng. Nhiều DN, trong đó đặc biệt là những hãng lớn như Mai Linh, Taxi Group… kêu ca rằng giá nhiên liệu điều chỉnh 15 ngày/lần thì quá gấp gáp, không thể theo nổi, do đó họ còn phải “chờ xem” thế nào. Trong lúc chờ đợi, DN cứ phóng tay thu lời, còn hành khách thì cam chịu dù đầy bức xúc. Đã đến lúc không chỉ các cơ quan quản lý mà ngay chính hành khách cũng phải có những hành động thực tế, mạnh mẽ để cân đối lại lợi ích đôi bên, tạo nên một cơ chế thị trường lành mạnh, công bằng.
Ai hưởng lợi?

Theo nhiều lái xe taxi, mức ăn chia hiện nay giữa hãng và lái xe thường là 50 - 50 nếu tài xế góp xe, “thuê” thương hiệu của hãng để kinh doanh. Nếu xe của hãng thì tài xế phải thuê với mức 400.000 - 500.000 đồng/ngày/xe, hoặc trừ chi phí nhiên liệu, lái xe hưởng 47% doanh thu. Và, bất kể ăn chia theo hình thức nào thì lái xe đều phải tự chịu mọi chi phí sửa chữa, rủi ro. Đây thực chất là một hình thức kinh doanh giấy phép với lợi nhuận khổng lồ của các DN taxi. Mật độ taxi càng dày đặc, người lái xe càng vất vả, DN càng có lý do để kêu ca “lỗ - lãi” trong khi xoa tay hưởng lợi và chây ì giảm giá cước.

Các hãng taxi có thể cạnh tranh, “đấu đá” nhau trên nhiều lĩnh vực nhưng riêng vấn đề giữ giá cước thì họ rất đồng lòng. DN nhỏ chờ DN lớn hành động để làm theo, DN lớn thì đồng loạt im lìm, không hề có động thái điều chỉnh giá phù hợp với thực tế. Một tài xế taxi cho biết đang phải thuê xe của hãng đi làm, nhận khoán mức 800.000 đồng/ngày, hụt khoán bị phạt trừ vào phần chia. Tài xế này than thở: “Muốn giảm cước để chiều khách, nhất là trong bối cảnh Grab, Uber đang cạnh tranh khốc liệt nhưng giá là do hãng quy định, mình không thể tự giảm được; khách kêu, mất khách cũng vẫn phải nộp đủ doanh thu như thường”. Thực tế đó cho thấy, dù giá nhiên liệu lên hay xuống, dù có khách hay không, lỗ - lãi vẫn chỉ là chuyện của người lái xe, giá cước cao ngất ngưởng thì hành khách chịu thiệt, còn DN taxi luôn luôn được lợi.
Minh Tường

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần