Sau hơn một tháng triển khai cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19”, Ban Tổ chức đã nhận được 1.032.665 bài tham gia dự thi - số lượng lượt người tham gia lớn nhất từ trước đến nay trong một cuộc thi trực tuyến trên địa bàn TP Hà Nội. Xin bà chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai cuộc thi này?
- Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19” trên địa bàn Hà Nội đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tích cực. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sinh viên, học sinh và Nhân dân với số lượng người tham gia dự thi lớn nhất từ trước đến nay, đã thực sự tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, một cuộc vận động lớn trong xã hội trong phong trào tìm hiểu kiến thức pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó đã giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 của cán bộ và Nhân dân Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương - Phó Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19” |
Đặc biệt Cuộc thi được tổ chức trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ ngày 20/6/2021- 1/8/2021, trong đó có thời gian Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội (ngày 23/7/2021), tiếp tục tạo tiền đề đối với người dân Thủ đô trong nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tiếp tục tin tưởng đường lối, chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của T.Ư và TP, nhất là thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Qua cuộc thi, người dân càng nhận thức rõ hơn thông điệp quan trọng : “Dịch bệnh Covid-19 chỉ có thể đẩy lùi khi mỗi người dân cùng đồng lòng, tự giác chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh”.
Cuộc thi tiếp tục thể hiện sự sáng tạo, bứt phá trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong việc ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo một sân chơi pháp lý lành mạnh, bổ ích phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay. Phần mềm cuộc thi đã triển khai ngày càng ưu việt, sáng tạo trong công tác thi, chấm thi, quản lý bài thi; đường truyền tốt, không xảy ra hiện tượng nghẽn mạng mang lại hiệu ứng tích cực cho thí sinh tham gia dự thi và có thời hạn nộp phần thi tự luận linh động, giúp người tham gia dự thi linh hoạt có thời gian tìm hiểu sâu về giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Phần thi tự luận thiết kế phù hợp với từng độ tuổi thí sinh tham gia dự thi, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu thông tin đối với từng đối tượng; cách dự thi tham gia đơn giản, dễ hiểu.
Ngoài ra, các ngành, các cấp TP đã quan tâm tổ chức nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về cuộc thi đến đông đảo cán bộ và Nhân dân. 100% các quận, huyện, thị xã đã tích cực tham gia cuộc thi. Nhiều quận, huyện, thị xã đã tổ chức tổng kết, trao giải thưởng cuộc thi tại đơn vị mình nhằm động viên khuyến khích sự tham gia của người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số sở, ngành, đơn vị chưa thực sự quan tâm triển khai, phát động cuộc thi ở đơn vị mình nên bài dự thi gửi về Ban Tổ chức còn thấp, số lượng người tham gia ít. Một số quận, huyện chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và Nhân dân tham gia dự thi nên có số lượng bài dự thi vẫn còn hạn chế so với số lượng người dân sinh sống tại địa phương. Một số đơn vị, ngành đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân công ty, nhà máy, xí nghiệp, tổ chức... chưa quan tâm đến cuộc thi.
Phó Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Trần Thị Thu Hà và Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) Vũ Thị Thanh Tú trao giải Nhất tập thể cuộc thi cấp TP cho UBND quận Thanh Xuân, giải Nhất cá nhân cho em Chu Kỳ Anh (học sinh trường THCS Thanh Xuân Trung) và giải Nhì cá nhân cho em Trần Tuấn Minh (học sinh trường THCS Thanh Xuân Nam) |
Qua công tác chấm thi, bà đánh giá, nhận xét thế nào về các bài tham gia cuộc thi?
- Trong các bài dự thi, phần thi tự luận của người từ đủ 18 tuổi trở lên phần lớn trả lời bám sát nội dung câu hỏi và đã đưa ra nhiều giải pháp có thể ứng dụng ngay trong thực tế nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tổ chức và cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo: Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, đề ra chủ trương, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, phù hợp với từng địa phương, từng giai đoạn diễn biến dịch, cụ thể hóa thành các quy định, kế hoạch, tổ chức thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Gắn phòng, chống dịch với phát triển kinh tế, chăm lo đời sống Nhân dân, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của đảng và pháp luật của nhà nước.
Giải pháp về hoàn thiện thể chế: Rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phòng, chống dịch đáp ứng giải quyết yêu cầu nhanh, kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh; quy định hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt đáp ứng nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
Nhóm giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng về phòng, chống dịch Covid-19 như: Tổ chức tuyên truyền trên các loa truyền thanh xã, phường; Tuyên truyền, cổ động trực quan bằng cách vẽ tranh cổ động trên các mảng tường, bốt điện, dán các băng rôn - khẩu hiệu ở các trụ sở, cơ quan, trường học, công viên, các ngã tư, nhà văn hóa. Lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Đảng, đoàn thể; Xây dựng các video tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; Tăng cường tuyên truyền lưu động bằng xe của công an xã, phường, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ; Phát hành tờ gấp, Infographic, tin nhắn truyên truyền, nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại...
Giái pháp về tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch (hành chính, hình sự); các cấp, các ngành phải kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật với xử lý nghiêm minh, kịp thời, mọi hành vi vi phạm một cách khách quan, đúng quy định.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương trao giải Nhì tập thể cấp TP cho UBND quận Hoàn Kiếm và các giải cá nhân |
Giải pháp về đẩy mạnh hiệu quả mô hình tự quản cộng đồng dân cư như tăng cường công tác kiểm tra, phát huy vai trò của các tổ giám sát phòng, chống dịch tại cộng đồng, người dân tự giám sát người dân trong việc tuân thủ chấp hành biện pháp phòng, chống dịch.
Giải pháp đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong phòng, chống dịch để tạo niềm tin và động lực phấn đấu nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân và trách nhiệm của mỗi người dân tự trang bị cho mình kỹ năng và kiến thức pháp luật về phòng, chống dịch, tích cực tìm hiểu quy định pháp luật về phòng, chống dịch. Việc tự giác giác chấp hành pháp luật phòng, chống dịch trở thành thói quen trong lối sống, sinh hoạt góp phần xây dựng “Văn hóa phòng, chống dịch) để cùng chung sống an toàn trong đại dịch...
Đối với phần thi tự luận của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18, nhiều bài thi của các em đã đưa ra những việc thiết thực phù hợp với lứa tuổi làm của các em trong thời gian tới để góp phần phòng, chống dịch được tốt hơn.
Vì sao Ban Tổ chức cuộc thi khuyến khích sự tham gia của các học sinh cấp 2 (từ 12 tuổi trở lên), thưa bà?
- Khi đưa đối tượng học sinh THCS (từ 12 tuổi trở lên), Ban Tổ chức cuộc thi đã cân nhắc kỹ. Thực tế, học sinh THCS đã được tiếp cận với CNTT qua các bài giảng, qua việc học online, và quá trình nghiên cứu, tìm hiểu để tham dự cuộc thi giúp các em nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về công tác phòng, chống dịch.
Việc đưa các học sinh từ 12 tuổi tham gia dự thi cũng để thông qua các em, tuyên truyền đến phụ huynh và các thành viên trong gia đình hiểu biết về kiến thức pháp luật trong phòng, chống dịch. Các em được kỳ vọng sẽ là những tuyên truyền viên tích cực tới gia đình, bạn bè về việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn TP.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Căn cứ kết quả cuộc thi, Ban Tổ chức cuộc thi quyết định tặng Giấy chứng nhận cho 23 tập thể (3 giải Nhất, 7 giải Nhì và 13 giải Ba), 67 cá nhân (3 giải Nhất, 7 giải Nhì, 20 giải Ba, 37 giải Khuyến khích) đoạt giải trong cuộc thi. Trong đó, 3 giải Nhất thuộc về các tập thể: Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, UBND quận Thanh Xuân. 3 giải Nhất cá nhân thuộc về: Em Chu Kỳ Anh (học sinh trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân); bà Nguyễn Thị Thu Thủy (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức); bà Chu Thị Thanh Bình (phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây). |