Vô tư xả rác
Đầu tháng 11, tôi nhận được sự phàn nàn của một người nước ngoài tình cờ gặp trên đường. Anh ấy tỏ vẻ tức giận vì giấy gói xôi, vỏ bánh kẹo bị một số người dân vứt thẳng xuống dưới lòng đường. Để tránh cuộc cãi vã xảy ra, một người trong số đó lấy chổi ra quét rồi gom lại. Anh bảo, nếu không có sự phản ứng của anh thì chắc chắn rác sẽ bay theo gió, gây ô nhiễm đường phố và vỉa hè.Chỉ một việc đơn giản như vậy nhưng đã đặt ra nhiều vấn đề trong ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân. Đơn giản nhất, xả rác vô tội vạ là thực tế vẫn diễn ra và thói quen này chưa thay đổi.Năm 2013 tôi có theo một đoàn nghiên cứu thực trạng về việc xả rác quanh Hồ Tây, tận mắt chứng kiến rác xả bừa bãi quanh đường ven hồ, những đống rác chất cao từ các hàng quán, vật liệu xây dựng, gạch, đá, bê tông ngổn ngang. Xe rác đến rồi đi với cường độ cao mà không dọn xuể. Không thể không kể đến dãy hàng quán ăn uống mới mọc lên góp phần lớn vào sự ô nhiễm đó. Những người dân đi tập thể dục quanh hồ, cứ đi ngang qua rác do người bên đường xả ra là phải bịt mũi hoặc đeo khẩu trang.Tuy nhiên, những năm gần đây, ý thức của người Hà Nội trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường sống xung quanh đã cải thiện và tốt lên rất nhiều. Cũng chính đường ven Hồ Tây, con đường nay đẹp và sạch hơn. Người dân không vứt thẳng rác ra đường, mỗi người nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh - sạch – đẹp. Nhưng sự sạch sẽ đó không phải tuyệt đối vì vẫn còn một số người dân thiếu ý thức, tiện tay vứt ra ra vỉa hè, ra đường. Dù có nhắc, họ cũng chỉ ậm ừ rồi cho qua.Có thể thấy, bản thân mỗi người đều có trong mình ý thức cộng đồng. Nhưng trong cuộc nhậu ở vỉa hè, khi một, hai người tiện tay vứt giấy ăn, giấy gói đồ ra vỉa hè, lòng đường thì những người khác cũng tiện tay làm theo mà không hề suy nghĩ. Cho dù quán có dọn dẹp sau đó nhưng mùi hôi lưu lại trên mặt đường thì khó hết. Đó chính là ô nhiễm môi trường. Vì vậy, làm thế nào để thực sự nâng cao ý thức người dân từ những hành động nhỏ ấy vẫn là bài toán nan giải.Ý thức phải từ trên xuốngCách đây vài năm, tôi ngồi ăn ở một quán vỉa hè. Dưới chân có xô nhựa để khách bỏ rác vào nhưng một số khách vẫn vứt đồ xuống vỉa hè. Chủ quán làm một việc tưởng chừng rất “điên rồ” là ra nhắc nhở khách. Tất nhiên, người chủ biết nguy cơ sẽ bị mất khách nhưng anh ta vẫn làm việc đó. Điều này thể hiện ý thức rất cao trong bảo vệ môi trường, bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Một ví dụ khác, đó là phong trào người dân trong khu phố cùng nhau dọn dẹp nơi ở và không gian chung. Có nơi duy trì rất lâu, có nơi làm vài ngày, vài tuần là thưa dần rồi dừng lại. Bởi phong trào phát động từ trên xuống, cần có người cầm trịch, được nhiều người ủng hộ.Giữa ý thức và vô ý thức có khoảng cách rất mong manh. Vứt rác hay không vứt rác, chỉ là một cái phóng tay nếu không có ai đó nhắc nhở. Thậm chí kể cả nhắc nhở thì họ sẽ vâng dạ nhưng lần sau thì… vẫn thế. Ý thức kém chỉ là một phần nguyên nhân nhưng nguyên nhân cốt lõi chính là vì lối sống cá nhân ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mình. Thực tế cho thấy, dù có cảnh cáo, nhắc nhở cho đến xử phạt hành chính thì cũng vẫn xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, vô tội vạ, vì mặt bằng ý thức người dân chưa thay đổi và rất khó xử phạt lỗi này.Nếu suy nghĩ theo hướng đó, xã hội có nhiều người ích kỷ nhưng cũng có không ít người sẵn sàng đứng ra nhắc nhở người khác giữ gìn vệ sinh môi trường. Điển hình là các bậc cao niên trong gia đình, họ tộc phải tự ý thức được trách nhiệm của mình, giáo dục con cháu giữ gìn môi trường mình đang sống, việc đó là để cải thiện chất lượng chính cuộc sống của mình. Trong công tác bảo vệ môi trường, rất cần sự chung tay góp sức của các tầng lớp Nhân dân. Đối với Hà Nội, sự chung tay đó còn phải lớn hơn nữa, tích cực hơn nữa. Người ta có thể chi ra rất nhiều tiền để làm sạch môi trường. Nhưng nếu ý thức người dân không tốt, chắc chắn môi trường vẫn không trong sạch được. Có người từng nói “Luật lệ tạo dựng ý thức” nhưng để cả xã hội ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường, không thể cứ áp đặt mà phải "mưa dầm thấm lâu" vào mỗi người dân.
Bài dự thi xin gửi về: Ban Đô thị - báo Kinh tế & Đô thị, 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội (điện thoại: 098.747.9898); Hoặc thư điện tử: thivietvemoitruong baoktdt@gmail.com. Mọi tổ chức, cá nhân quan tâm đến “Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020” có thể tìm hiểu thông tin trên báo Kinh tế & Đô thị điện tử tại địa chỉ: http://kinhtedothi.vn; hoặc trên ấn phẩm báo in báo Kinh tế & Đô thị. |