Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Cuộc thi viết bảo vệ môi trường Hà Nội 2020] Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường từ mỗi người dân

Phan Diệu Thanh (Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ đô Hà Nội với số dân đứng thứ 2 toàn quốc, những năm qua luôn duy trì sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, nhưng kèm theo đó là không ít thách thức, trong đó có vấn đề môi trường. Đã có nhiều biện pháp được xem xét, đưa ra thực hiện để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân, tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng chắc sẽ khó thành công.

Nhân viên vệ sinh thu gom rác trên phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Điểm danh nguồn phát thải bụi
Trong năm 2020, Hà Nội nhiều lần được nhắc đến như một trong những TP ô nhiễm nhất thế giới. Nguyên nhân phần lớn do từ sau khi Hà Nội chú trọng phát triển công nghiệp, thu hút nhiều công ty, nhà máy từ trong và ngoài nước, thì chất lượng không khí, chất lượng nước, chất thải rắn trở nên ô nhiễm trầm trọng. Đáng kể nhất phải nói đến là ô nhiễm không khí. Theo điều tra, tại các vùng, cụm nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận chỉ số chất lượng không khí cao vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 2,5 - 4,5 lần, những khu vực như Văn Điển, Pháp Vân, Mai Động… có chỉ số nồng độ bụi cao. Ô nhiễm không khí do bụi phần lớn còn do số lượng xe cộ quá tải tại TP Hà Nội. Dân số tại Hà Nội hiện nay khoảng hơn 8 triệu người, số lượng xe máy, ô tô, xe tải… tính riêng cho mỗi hộ gia đình rất cao do mức sống trên trung bình của đa số dân cư . Điều này rất dễ nhận thấy khi hiện tượng ùn tắc xảy ra liên tục trong ngày bất kể thời điểm. Không những thế, một lượng bụi khá lớn từ những công trình xây dựng hay những công trình đang được phá dỡ cũng đóng góp đáng kể vào tổng lượng bụi trên toàn TP.

Thêm một nguồn phát thải bụi mà rất ít người dân để ý nhưng hiện hữu ngay bên cạnh chúng ta đó chính là từ rơm rạ, rác, đun bếp than tổ ong. Người dân có thói quen đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch để làm mùn, làm phân bón hoặc để đỡ tốn diện tích. Vào những tháng cuối năm, hiện tượng nhiều cột khói nghi ngút lại xuất hiện, đặc biệt ở những khu vực ven đô như Đông Anh, Mê Linh… Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí nên nhiều chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống ven đường đun bếp than tổ ong. Theo một kết quả thống kê trước đây, Hà Nội là nơi có lượng tiêu thụ than tổ ong trong nhóm cao nhất cả nước với hơn 528 tấn mỗi ngày. Điều này dẫn đến lượng CO2 thải ra rất lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe về lâu dài cho người dân, đó là chưa kể đến do lượng tạp chất được pha trộn bên trong làm than tổ ong dễ cháy hơn, gia tăng khả năng gây nguy hiểm cho người sử dụng. Người dân do thiếu hiểu biết nên chưa nhận thức được những hành động này sẽ gây nên nhiều hệ lụy cho bản thân và xã hội. Những chất độc ô nhiễm như bụi, CO2, kim loại, dioxin,… sẽ dễ xuất hiện khi đốt vật liệu cháy ngoài không khí và ở nhiệt độ thấp. Lúc này, khả năng cao gây nên nhiều bệnh về đường hô hấp như bệnh phổi, bệnh về tai mũi họng, bệnh tim mạch hay nghiêm trọng hơn là ung thư.

Đến ô nhiễm nguồn nước

Ngoài ô nhiễm không khí, tại Hà Nội còn ô nhiễm nước. Đây đang là một vấn đề gây nhức nhối và ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Khoảng tháng 10/2019, một số hộ dân xuất hiện hiện tượng nước máy tại gia đình có màu lạ đi kèm với mùi hôi, tanh. Điều này gây nên nhiều sự hoang mang không dám sử dụng cũng như sự lo sợ cho sức khỏe của gia đình. Theo đó, chính quyền TP đã thông báo nguyên nhân gây nên hiện trạng này do sự tràn dầu ra một con suối dẫn đến dầu chảy vào hồ chứa của Công ty nước Sông Đà, Hòa Bình.

Một ví dụ trên để cho thấy ô nhiễm nguồn nước sạch sinh hoạt tại Hà Nội không thể không xảy ra. Theo điều tra khảo sát, hai nguồn chủ yếu gây nên ô nhiễm nguồn nước tại TP do chất thải sinh hoạt và do nước thải từ nhà máy, khu công nghiệp. Theo báo cáo của Bộ TN&MT, người dân toàn TP Hà Nội thải ra hơn 300.000 tấn nước thải bao gồm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp. Qua xử lý phân tích cho thấy, trong nước có rất nhiều thành phần độc hại, như chất thải hữu cơ, dầu mỡ, chất độc kim loại nặng như chì, thủy ngân, sắt… Điều này đa số do hệ thống cấp thoát nước chưa đạt chất lượng và hoạt động chưa tối ưu. Ngoài ra còn phải kể đến sự tắc trách trong làm việc của nhiều công ty, xí nghiệp khi không chịu chú trọng đầu tư hệ thống xử lý rác thải.

Mỗi người hãy tự nâng cao ý thức, trách nhiệm

Khi đô thị hóa ngày càng cao nhưng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt thải ra môi trường mà không xử lý nhanh và triệt để sẽ gây nên ứ đọng trong việc thoát nước. Đặc biệt, khi những khu công nghiệp không quan tâm đến vấn đề môi trường mà chỉ chú trọng kinh doanh thì khả năng cao họ lơ là công tác xử lý nước thải và rác thải. Do đó, nước thải khi thải ra sông hồ là nước thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đúng quy cách, gây ảnh hưởng đến chất lượng nước tại các sông, hồ. Chất thải rắn từ sinh hoạt của người dân cũng là một yếu tố lớn ảnh hưởng đến nguồn nước tại đây. Rác thải bị vứt bừa bãi, ứ đọng tại sông ngòi tạo nên những núi rác gây nên khó khăn cho những công ty vệ sinh môi trường, công ty rác thải trong quá trình xử lý.

Có thể nói, con người góp phần không nhỏ tạo nên sự ô nhiễm tại chính nơi mình sinh sống. Vì thế, chỉ cần mỗi người dân tự xây dựng tính tự giác, biết yêu quý và bảo vệ môi trường, hãy thôi đốt than tổ ong, đốt rơm rạ, thải rác đúng quy định… Mỗi công ty, xí nghiệp, những cơ quan chức trách có thẩm quyền cần hiện thực hóa những hành động không chỉ truyền miệng bằng mà cả những biện pháp cứng rắn, đề cao chú trọng nâng cao chất lượng kinh doanh và phát triển bền vững hơn… Chắc chắn rằng, những hiện trạng đáng báo động về ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng giảm.

Đây đều là những điều rất dễ để nói cũng như truyền miệng, nhưng hiện thực hóa quả không dễ dàng. Vì thế, bảo vệ môi trường Hà Nội không chỉ của một vài cơ quan hữu trách mà phải cần đến sự đồng lòng, kiên trì của toàn xã hội mới gây dựng TP Hà Nội thân yêu ngày càng tươi đẹp hơn cho thế hệ mai sau.