Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 là đỉnh cao chói lọi

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 31/1, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam và TP Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với chủ đề "Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968".

 Toàn cảnh Lễ kỷ niệm
Dự Lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; cùng 3.500 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể Trung ương, TP Hồ Chí Minh, đại diện các địa phương trong cả nước, các đoàn ngoại giao và bạn bè quốc tế; các bậc lão thành Cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng và đông đảo cán bộ, chiến sĩ...
Đọc diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã ôn lại những ngày tháng hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. 

Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đứng trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ồ ạt đưa quân đội và chư hầu vào miền Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam, nhanh chóng đánh bại quân chủ lực của cách mạng, giành lại thế chủ động trên chiến trường, bình định toàn miền Nam, kết thúc chiến tranh Việt Nam trong tư thế “kẻ chiến thắng”.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh TTXVN

Nắm vững thời cơ chiến lược, nhằm đánh sập ý chí của quân xâm lược, chủ động chuẩn bị cho mặt trận ngoại giao, Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12/1967 được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, khóa III thông qua tháng 1/1968 xác định “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta tiến lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.

Với chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", quân và dân ta đã không kể ngày đêm, khẩn trương làm tốt mọi công tác chuẩn bị; bí mật, bất ngờ đồng loạt nổ súng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, đánh thẳng vào 37 thị xã và hàng trăm thị trấn từ Quảng Trị đến Cà Mau, các căn cứ quân sự chủ yếu của địch trên toàn miền Nam.

Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ mùa xuân Mậu Thân hùng tráng ấy, khoảng thời gian đủ dài để chiêm nghiệm, đúc kết; một lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử sâu sắc; để các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào và tự tin, tiếp nối những giá trị lớn lao của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, là đỉnh cao chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc ở thế kỷ 20.
"Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta để giành độc lập, tự do, được dẫn dắt, soi đường bởi sự lãnh đạo tài tình, đường lối đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: SGGP
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại tá Nguyễn Văn Tàu - Anh Hùng lực lượng vũ trang, nhân chứng lịch sự trực tiếp tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chia sẻ, với ông được trở lại TP Hồ Chí Minh tham gia Lễ kỷ niệm lần này là một vinh dự. Nơi đây ông cùng các đồng đội đã chiến đấu kiên cường cách đây 50 năm.

“Chúng ta phải sống xứng đáng với sự hy sinh của bao chiến sĩ đồng bào. Là cựu chiến binh, tôi nguyện phát huy phẩm chất bộ đội cụ hồ, luôn là công dân tiêu biểu. Trong giờ phút thiêng liêng này, tôi như thấy lại đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường… rất nhiều người đã mãi mãi ra đi hy sinh đời mình cho Tổ quốc”, Đại tá Nguyễn Văn Tàu nói.

Đại diện cho thế hệ trẻ, bạn Nguyễn Thị Phương Nghi - sinh viên đại học quốc tế (Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) thể hiện lòng tri ân sâu sắc với các thế hệ đi trước.

“Tuổi trẻ Việt Nam nhận thức những sự hy sinh của các chiến sĩ xuất phát từ lòng yêu nước. Chúng tôi xin nguyện viết tiếp trang vàng lịch sử, nguyện giữ gìn truyền thống cách mạng hào hùng của cha ông”, sinh viên Nguyễn Thị Phương Nghi xúc động cho biết.