Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Chỉ hiệu quả nếu thực sự nhập cuộc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đã có rất nhiều con số được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do UBMTTQ TP. Hà Nội tổ chức sáng 19/7.

Những con số đã phần nào phản ánh đúng nỗ lực của Thành phố và các sở, ngành, địa phương… nhằm đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng.

 

Hàng Việt đã đến với nhiều người Việt

 

Theo dự kiến, năm 2011, tổng mức vốn Thành phố cấp cho các DN tạm ứng để dự trữ và bán hàng bình ổn 10 mặt hàng là 475 tỉ đồng (năm 2010 là 400 tỉ đồng). Tính đến hết tháng 6/2011, Hà Nội đã thực hiện cấp vốn đợt 1 cho 11 DN với tổng số tiền lên đến 319,5 tỉ đồng nhằm thực hiện dự trữ hàng phục vụ bình ổn giá, chiếm hơn 67% tổng mức vốn cả năm.

 

Đã có 13 phiên chợ bán hàng Việt được tổ chức ở các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Đan Phượng, Mê Linh, Sóc Sơn; 1 phiên chợ bán hàng Việt tại khu công nghiệp Phú Nghĩa; 8 chuyến hàng lưu động tại các huyện Thường Tín, Thanh Trì, Từ Liêm, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm. Chủ tịch UBMTTQ Thành phố, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố Đào Văn Bình đánh giá, đây là kết quả của sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, tổ chức hội của Thành phố nhằm thực hiện kế hoạch số 1136/KH-SCT ngày 29/4/2011 đưa hàng về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó, đáng kể nhất là vai trò của Sở Công Thương đã chỉ đạo, hướng dẫn các DN tham gia chương trình bình ổn giá, một số DN như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã chủ động huy động thêm vốn để dự trữ hàng hóa thiết yếu. Các trung tâm thương mại và siêu thị như Metro, BigC, Citimart… cũng đã tổ chức thu mua dự trữ hàng hóa và số lượng gấp từ 2 - 3 lần so với các tháng bình thường nhằm phục vụ nhu cầu của người dân Hà Nội trong dịp Tết Tân Mão 2011.

 

Trước đây, do tâm lý e ngại, nhiều DN đã không mặn mà với các chuyến đưa hàng về nông thôn, nhưng kết quả từ các đợt bán hàng tại các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Đan Phượng, Thạch Thất… và 2 điểm bán hàng tại khu công nghiệp Hanel và Bắc Thăng Long của Hapro trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã cho thấy sức mua ở thị trường nông thôn là rất lớn, rất tiềm năng. Chỉ trong vòng 5 ngày, doanh thu của Tổng công ty đã đạt 19,7 tỉ đồng. Theo kinh nghiệm của DN, những mặt hàng thiết yếu như: mỳ tôm, nước mắm, gia vị, bánh mứt kẹo sản xuất trong nước… có mức giá phù hợp rất được bà con ưa chuộng.

 

Tính riêng ở huyện Hoài Đức, doanh thu từ 3 phiên chợ Việt tại 3 xã Song Phương, Di Trạch, Yên Sở đã là 200 triệu đồng, thu hút hơn 2.000 lượt người tới tham quan, mua sắm. Có thể nói, hiệu quả của các chuyến đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa là rõ rệt, chỉ cần DN nắm bắt được nhu cầu của người dân thì chắc chắn sẽ thu nhận được kết quả ngoài mong đợi.

 

Lúng túng trong triển khai

 

Bên cạnh các quận, huyện làm tốt, những DN tích cực tham gia cuộc vận động, tại Hội nghị sơ kết, nhiều đơn vị cũng tự nhận mình còn lúng túng và gặp khó khăn trong nhận thức và triển khai. Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Đông Anh cho biết, phần lớn các huyện mới chỉ thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp huyện mà chưa có ở cấp xã, nên có thể nói sức lan tỏa của cuộc vận động chưa cao. Nội dung tuyên truyền cần hướng tới việc hướng dẫn cho người dân phân biệt đâu là hàng thật, hàng giả, nói rõ giá thành sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng… để tránh hiện tượng đội giá, tăng giá bất hợp lý.

 

Cũng theo đại diện huyện Đông Anh, trong 6 tháng vừa qua, mặc dù đã có 2 phiên chợ được tổ chức tại địa phương nhưng do địa điểm tổ chức là trung tâm huyện, thời gian diễn ra ngắn nên nhiều bà con ở xa phàn nàn là không thể đến mua sắm. Các mặt hàng bày bán tại phiên chợ cũng chưa phong phú, đa dạng, đáng nói là nhiều mặt hàng nông sản truyền thống của người dân trong huyện như rau, đậu phụ, tương… chưa có mặt tại các phiên chợ. Nên chăng, Thành phố có một mẫu tuyên truyền chung cho các quận, huyện để từ đó mỗi địa phương tùy vào điều kiện riêng sẽ có hướng triển khai cụ thể.

 

Chia sẻ với các ý kiến trên, Chủ tịch MTTQ Thành phố Đào Văn Bình cho rằng, thời gian tới, những vấn đề này chắc chắn được khắc phục khi ban chỉ đạo cuộc vận động các cấp, các ngành được kiện toàn. Các phiên chợ, hội chợ bán hàng Việt sẽ thường xuyên được tổ chức ở các huyện, thị, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp với một phần kinh phí của Sở Công Thương, một phần kinh phí từ huyện và đóng góp của DN. Ông Bình cũng đề xuất với Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã cần chú ý cho phép các DN tư nhân có năng lực xây dựng trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, phát triển hệ thống phân phối tại địa phương mình.  

 

* Hiện có nhiều DN gặp khó khăn trong việc mở rộng các điểm bán hàng ở cấp huyện, xã. Đề nghị UBNDcác quận, huyện, thị xã lưu tâm, tạo điều kiện bố trí địa điểm, đất đai… để các DN có thể xây dựng các điểm bán hàng cố định, lâu dài tại địa phương chứ không chỉ dừng lại ở các chuyến hàng lưu động như hiện nay.
                                                                            Ông Nguyễn Văn Đồng
                                                               Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội
 
* Kinh nghiệm tổ chức thành công các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn của chúng tôi là luôn huy động sự đóng góp củatất cả các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở như đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân, liên đoàn lao động huyện… Chúng tôi kêu gọi các DN, cơ sở sản xuất làng nghề trên địa bàn tham gia các phiên chợ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm truyền thống…
                                                                             Ông Nguyễn Hiền Đông
                                                                   Thường trực MTTQhuyện Hoài Đức