Cước vận tải Hà Nội giảm từ 500 - 1.000 đồng/km

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị triển khai công tác Quản lý giá cước vận tải bằng ô tô trên địa bàn Hà...

Kinhtedothi - Tại Hội nghị triển khai công tác Quản lý giá cước vận tải bằng ô tô trên địa bàn Hà Nội sáng 14/11, bà Lê Thị Loan - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, trong ngày 14/11, có 15 DN nộp hồ sơ điều chỉnh giảm giá cước, trong đó mức giảm giá của các DN phổ biến từ 500 - 1.000 đồng/km đối với loại hình taxi và giảm khoảng 6 - 10% loại hình vận tải tuyến cố định.

Không thể nói là không giảm giá được

Bà Lê Thị Loan cho biết, trong tháng 9 và tháng 10/2014, Sở Tài chính đã chủ trì cùng Cục thuế, Công an TP Hà Nội tổ chức kiểm tra đối với 5 DN (3 DN kinh doanh vận tải hành khác bằng xe taxi, 2 DN vận tải hành khách cố định). Kết quả có một số DN có chi phí đầu vào thực tế chưa sát với số liệu các khoản chi phí trong hồ sơ kê khai giá nên đoàn kiểm tra đã yêu cầu các DN này rà soát lại các chi phí cấu thành giá cước, lập và kê khai lại giá cước gửi cơ quan tiếp nhận theo quy định. "Đoàn kiểm tra một số DN trong hồ sơ lãi vay ngân hàng năm 2012 có thời điểm trên 20%, nhưng vừa rồi chỉ còn trên 10% song DN chưa tính đến phần này"  - bà Loan nói.

 
Cước vận tải Hà Nội giảm từ 500 - 1.000 đồng/km - Ảnh 1
Taxi hoạt động trên đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng
 
Đại diện Sở Tài chính cho hay, từ thời điểm cuối tháng 9 đến nay, đã có một số DN giảm giá cước như: 5 DN thương hiệu Taxi Group, Công ty CP Taxi ABC, Công ty CP vận tải Vạn Xuân, Công ty CP Thanh Nga, Công ty TNHH TM Thiên Phong, Công ty CP Vận tải Hà Thành, Công ty CP Vận tải Thăng Long, 3 Công ty Mai Linh Group, Công ty CP đầu tư & TM tổng hợp Sao Hà Nội, Công ty CP Taxi Tây Đô Công ty TNHH TM và dịch vụ Linh Trang, Công ty CP Vân Sơn. Các DN đang tiếp tục rà soát và kê khai giá cước phù hợp với tình hình biến động của giá nhiên liệu, như trong ngày 13/11 đã có 15 DN đến nộp hồ sơ điều chỉnh giảm giá cước.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) với vận tải hành khách đường dài, xăng dầu chiếm từ 35 - 50% chi phí vận tải; xăng chiếm 50% chi phí vận tải taxi. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã điều chỉnh tăng 5 lần, giảm 9 lần, so với tháng 1/2014 giá xăng giảm 2.820 đồng/lít (11,6%), giá dầu giảm 3.400 đồng lít (15%). Như vậy, mức giảm giá nhiên liệu ảnh hưởng tới giá cước tương đương 4 - 5%. Còn nếu so với thời điểm tháng 7/2014, giá nhiên liệu giảm 4.250 đồng/lít đối với xăng và 3.440 đồng/lít đối với dầu thì ảnh hưởng đến giá cước giảm 5 - 6%. Liên Bộ Tài chính và GTVT đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu giảm giá, cho đến nay, DN vận tải không thể nói là không giảm giá được.

Liên quan đến phản ánh của nhiều DN thời gian qua ngoài giá nhiên liệu giảm, vẫn tồn tại nhiều thủ tục, loại phí ở mức cao (kẹp chì, kiểm định, tem giá…) dẫn đến việc giảm giá cước khó khăn chậm trễ, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết,  theo thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT có hiệu lực từ 1/12 tới đây, nhiều cơ chế được ban hành để DN vận tải có thể dễ dàng quyết định giá cước vận tải như nếu muốn dao động trên dưới 3% không phải khai báo; giảm đầu mối khai báo từ 3 xuống còn 1, có thể khai báo qua internet, thời gian kê khai từ 10 - 15 ngày rút xuống chỉ còn 5 ngày. 

Cước taxi Hà Nội đang thấp hơn các nơi khác

Kiểm tra chi phí là dịp để các DN vận tải nhìn nhận lại chi phí sản xuất, thực hiện đúng các nghĩa vụ tài chính và hướng tới dịch vụ vận tải chất lượng nhưng giá thành hợp lý. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, giá cước vận tải sẽ không giảm đồng đều. Phân tích về mức giá chênh lệnh này, ông Bình giải thích, giá cước của các hãng taxi ở Hà Nội hiện tại đang ở mức trung bình 12.000 đồng/km, thấp hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/km so với khu vực Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh. Từ cuối năm 2013 đến tháng 4/2014 - thời kỳ xăng tăng giá đỉnh điểm gần 25.000 đồng/lít, các DN taxi đã chia ra thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, bao gồm các DN bình ổn giá trong suốt 2 năm qua. Tức là dù xăng tăng hay giảm giá họ vẫn giữ nguyên giá cước taxi ở mức bình ổn nhất. Do vậy, khi xăng giảm giá ở mức kỷ lục vào ngày 7/11 vừa qua, họ điều chỉnh rất ít. Nhóm thứ hai, gồm các DN liên tục điều chỉnh giá cước taxi tăng lên theo biến động của giá xăng, chẳng hạn taxi Mai Linh… Đến nay họ mới phải điều chỉnh giá cước về mức trước khi tăng. "So với tháng 4/2012, giá xăng hiện nay cao hơn 90 đồng/lít, nhiều loại thuế phí đều tăng như phí trước bạ, phí bảo trì đường bộ, các chi phí khác... đều tăng. Việc các DN taxi Hà Nội vẫn giữ mức giá bình quân 12.000 đồng/km của năm 2012 là một sự nỗ lực"  - ông Bình nhấn mạnh.

Đại diện Công ty CP Đầu tư Vinamotor cho biết, ngoài việc phí bảo trì đường bộ, phí qua trạm thu hồi vốn BOT, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm phương tiện, vật tư phụ tùng, sửa chữa phương tiện, khấu hao phương tiện… đã gián tiếp ảnh hưởng đến giá thành vận tải ô tô thì đặc thù một DN vận tải Hà Nội phải chịu chi phí cao hơn các vùng khác là lương, chi phí sinh hoạt của nhân viên tại Hà Nội, chi phí bến bãi cao hơn nơi khác, "như tuyến cố định Tuyên Quang, tại Hà Nội, Công ty Quản lý bến xe đã tăng từ 100.000 - 140.000 đồng, trong khi ở Tuyên Quang vẫn chỉ 60.000 đồng. Cước vận tải của Vinamotor so với năm 2012 vẫn ổn định nên cộng thêm các yếu tố trên thì công ty cũng chỉ giảm được 1,5 - 2% giá cước"- đại diện Vinamotor chia sẻ.

Bà Lê Thị Loan cho biết, dự kiến trong cuối tháng 11/2014 và tháng 12/2014, Sở Tài chính tiếp tục cùng liên ngành tổ chức kiểm tra việc thực hiện kê khai giá và niêm yết giá của các DN kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn TP.

Vì vậy, đề nghị các DN vận tải tiếp tục rà soát kê khai giảm giá cước phù hợp tình hình biến động của nhiên liệu, áp dụng các biện pháp nhằm tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh trên địa bàn, góp phần giảm chi phí đầu vào của các hàng hóa, dịch vụ khác, tạo điều kiện đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Chiều ngày 14/11, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã làm việc với Sở Tài chính một số tỉnh, thành về vấn đề cước vận tải, quan điểm của Cục Quản lý giá là sẽ cùng các đơn vị tiến hành thanh, kiểm tra việc kê khai giá của các DN vận tải. Việc kiểm tra kê khai giá này không thể trực tiếp ép các DN vận tải hạ giá cước nhưng sẽ làm minh bạch các khoản kê khai; qua đó có thể phát hiện các khoản kê khai thiếu, hoặc khống và phát hiện ra DN vận tải trốn thuế để truy thu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần