Gia tăng hàng giả, hàng kém chất lượng
Những năm qua, thị trường TMĐT Việt Nam phát triển bùng nổ. Song vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng… cũng theo đó diễn biến phức tạp hơn. Những tháng cuối năm 2022, mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ lợi dụng mạng xã hội để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, nhưng hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp.
Trong ngày 2/12, lực lượng chức năng TP Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh nước hoa tại phường La Khê (quận Hà Đông), đã phát hiện hơn 1.000 lọ nước hoa mang nhiều thương hiệu nổi tiếng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở có 5 nhân viên đang thống kê người đặt mua hàng trên mạng xã hội, đóng gói sản phẩm để chuyển phát nhanh. Kiểm tra cơ sở kinh doanh tại phố Trần Vĩ (quận Cầu Giấy), phát hiện gần 30.000 bộ quần áo, giày, găng tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas. Cơ sở kinh doanh này sử dụng mạng xã hội để đăng tải hình ảnh, bán các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389 TP) cho thấy, trong tháng 11/2022, các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã kiểm tra phát hiện 3.289 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu nộp ngân sách trên 564,9 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, việc kiểm tra, xử lý vi phạm trên sàn TMĐT của các cơ quan chức năng trong thời gian qua như “muối bỏ bể”, bởi tình trạng công khai bán hàng nhái, hàng giả vẫn diễn ra. Các sàn TMĐT như Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn... mặc dù đã ký kết cam kết với Bộ Công Thương “Nói không với hàng giả trong TMĐT” nhưng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.
Cụ thể, chỉ cần gõ từ khóa “đồng hồ Rolex giá rẻ” trên sàn TMĐT Shopee, người tiêu dùng sẽ thấy hàng trăm sản phẩm với mức giá dao động từ 200.000 - 500.000 đồng/sản phẩm; Hay túi xách, quần áo nhãn hiệu Gucci, Chanel, LV… bày bán nhan nhản trên các gian hàng TMĐT với giá 300.000 - 500.000 đồng. Trên sàn TMĐT Lazada, Sendo cũng rao bán hàng trăm chai nước hoa các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới với giá chỉ 100.000 - 200.000 đồng/sản phẩm.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), lazada.vn là website TMĐT lớn nhất Việt Nam nhưng lại bị nhiều khách hàng khiếu nại về chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, nhiều website giả mạo doanh nghiệp uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Trưởng ban Đối ngoại, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam Tô Duy Hải cho biết, việc sản phẩm soup mì tôm Hảo Hảo bị làm giả, bán tràn lan trên mạng xã hội trong thời gian qua ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh thu của đơn vị.
Siết chặt quản lý, bảo đảm ổn định thị trường cuối năm
Thông tin từ Cục QLTT Hà Nội, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu dùng nhiều thủ đoạn như lợi dụng việc sử dụng hóa đơn điện tử để vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, khi bị kiểm tra mới xuất hóa đơn để đối phó. Đặc biệt, các đối tượng còn lợi dụng đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng giả, hàng lậu nên gây khó khăn trong kiểm tra, phát hiện của lực lượng chức năng…
Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, nhiều đối tượng lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đưa hàng kém chất lượng, giả xuất xứ của Việt Nam ra thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý ham rẻ và không phân biệt được hàng thật, hàng giả nên dễ bị các đối tượng trục lợi. Đây cũng là vấn đề gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.
Nhằm ngăn chặn nạn lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, ngay từ cuối quý III/2022, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Tương tự Cục QLTT Hà Nội cũng ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp Tết để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… với cả phương thức kinh doanh truyền thống và trực tuyến.
Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên, từ tháng 11/2022, lực lượng QLTT đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó, chú trọng xử lý các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Theo các chuyên gia, chống hàng giả trên TMĐT, là cuộc chiến không dễ dàng, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội và sàn TMĐT là giải pháp quan trọng. Về vấn đề này Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, Bộ Công Thương đã xây dựng cổng điện tử (online.gov.vn) tiếp nhận thông tin, khiếu nại, phối hợp xử lý… Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan liên quan gỡ bỏ các gian hàng, sản phẩm vi phạm trên sàn TMĐT.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng còn đòi hỏi người tiêu dùng chỉ nên mua sản phẩm ở những website đã thông báo với Bộ Công Thương, không nên thỏa hiệp tiêu thụ hàng giả, hàng nhái giá rẻ.