Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuối năm, doanh nghiệp Nhà nước “chạy nước rút” thoái vốn

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm tài chính 2021 sắp kết thúc. Trong tháng 12 và những tuần cuối năm, các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước tranh thủ chạy nước rút thoái vốn. Việc thoái vốn này được các doanh nghiệp khẳng định, không có bất cứ sự ảnh hưởng nào đến khách hàng hiện tại cũng như hoạt động kinh doanh của các hai bên.

 Đại diện PTI khắng định, việc thoái vốn khỏi PTI không có bất cứ sự ảnh hưởng nào đến khách hàng hiện tại đang sử dụng các dịch vụ bảo hiểm do doanh nghiệp này cung cấp qua mạng lưới Bưu điện.
Cuối tuần qua, Sở GDCK Hà Nội tổ chức phiên bán đấu giá 18.225.648 cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sở hữu. Tại phiên đấu giá, đã có 1 tổ chức và 4 cá nhân tham gia đấu giá, có 5 phiếu tham gia đấu giá hợp lệ, với tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua là 50.025.648 cổ phần. Kết quả, có 3 nhà đầu tư cá nhân trúng đấu giá, với tổng số cổ phần bán được là 18.225.648 cổ phần, tương ứng tỷ lệ thành công đạt 100%. Với giá đấu thành công bình quân là 77.341 đồng/cổ phần, tổng giá trị cổ phần bán được là 1.409.592.768.000 đồng.
Như vậy, phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sở hữu đã thành công ngay lần đầu tiên tổ chức đấu giá. Việc thực hiện đấu giá toàn bộ cổ phần của PTI đợt này nằm trong kế hoạch thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm của Vietnam Post theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Thông tin Truyền thông.
“Việc thoái vốn khỏi PTI không có bất cứ sự ảnh hưởng nào đến khách hàng hiện tại đang sử dụng các dịch vụ bảo hiểm do PTI cung cấp qua mạng lưới Bưu điện. Sau khi thoái vốn, Vietnam Post sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng PTI với vai trò là đối tác chiến lược triển khai các dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ trên mạng lưới bưu điện nhằm tận dụng thế mạnh của cả hai bên”- đại diện PTI cho biết.
Sau thời gian ì ạch, các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước đã lên dây cót, tăng tốc thoái vốn trong tháng cuối năm.
Trước đó, Vinachem cũng công bố lộ trình thoái vốn tại một số doanh nghiệp từ tháng 10. Mới đây, tập đoàn đã bán được 9,1 triệu cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang trên tổng số 15,1 triệu cổ phiếu đăng ký, ước thu về khoảng 1.500 tỷ đồng. Nguyên nhân không thực hiện hết giao dịch là do thị trường chứng khoán biến động mạnh. Sau giao dịch, tập đoàn còn sở hữu 6 triệu cổ phiếu, chiếm 3,53% vốn Hóa chất Đức Giang.
Vào ngày 31/12 tới đây, phiên đấu giá 21,23 triệu cổ phiếu của Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng thuộc sở hữu của Vinachem sẽ được tổ chức tại HNX. Với giá khởi điểm 27.100 đồng/cp, Vinachem dự thu tối thiểu 48 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm cao hơn không nhiều so với giá cổ phiếu LAS trên sàn. Chốt phiên 15/12, LAS có giá 26.000 đồng/cp, gấp 3,7 lần trong vòng 1 năm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, 11 tháng năm 2021, kết quả đã cổ phần hóa 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Thoái vốn với giá trị 1.209 tỷ đồng, thu về 3.088 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) thoái vốn tại Công ty cổ phần Vĩnh Sơn với giá trị 922,48 tỷ đồng, thu về 922,5 tỷ đồng.