Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuối năm phải siết chặt vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối năm là thời điểm các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế gia tăng. Bởi vậy, việc siết chặt công tác vận tải hàng hóa qua đường hàng không là rất quan trọng.

Lượng khách đi máy bay tăng mạnh vào dịp cuối năm là thời cơ để buôn lậu và gian lận thương mại qua đường hàng không gia tăng.
Lượng khách đi máy bay tăng mạnh vào dịp cuối năm là thời cơ để buôn lậu và gian lận thương mại qua đường hàng không gia tăng.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế vẫn còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Thời điểm “vàng” của buôn lậu qua đường hàng không

Các mặt hàng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép qua cảng hàng không quốc tế chủ yếu là rượu, thuốc lá điếu, xì gà, điện thoại, vàng, ngoại tệ, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vũ khí, chất nổ, các chất ma tuý… trọng điểm là các tuyến hàng không giữa Việt Nam với các nước châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, UAE, Singapore, Malaysia..

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong tháng 11/2022, có  8,67 triệu lượt khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam, tăng 7% so với tháng 10/2022 và tăng 630% so với tháng 11/2021. Lượng hành khách tăng cũng khiến lực lượng hải quan phải đối mặt với nhiều vụ việc vận chuyển hàng cấm mới với thủ đoạn tinh vi.

Mới nhất, vào giữa tháng 11/2022 vừa qua, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện gần 26 kg ma túy được giấu trong các kiện hàng từ Đức, Mỹ về Việt Nam qua đường hàng không. Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã từng tịch thu một lô hàng thuốc lá nhập lậu với tổng số 55 cây thuốc lá.

Trước đó, ngày 10/10, Chi cục này phát hiện 4 kiện hành lý không có thẻ, chứa 463 chiếc điện thoại di động. Đơn vị này cũng đang phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ lô hàng điện thoại di động trên 700 chiếc iPhone đã qua sử dụng được vận chuyển trái phép qua đường hàng không bị bắt giữ vào đầu tháng 10/2022 với giá trị ước tính khoảng 10 tỷ đồng.

 

Các DN, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hàng không cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc giám sát, kiểm tra các hoạt động vận chuyển hành khách, hành lý của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại cảng hàng không quốc tế. Khi có thông tin về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua cảng, cần kịp thời thông báo với các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan hải quan để kịp thời tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, xử lý theo quy định.

Ở khu vực phía Bắc, Chi cục Hải quan Gia Thụy phối hợp với Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc - Cục Điều tra chống buôn lậu, thuộc Tổng cục Hải quan, tiến hành kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu vận chuyển đến địa điểm làm thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường hàng không và phát hiện, lô hàng này không khai báo hải quan 90 hộp thuốc lá điếu hiệu ESSE SPECIAL GOLD, hàng mới 100% xuất xứ Hàn Quốc.

Rõ ràng, những tháng cuối năm là thời điểm lượng khách xuất nhập khẩu, hàng hóa xuất nhập cảnh sẽ tăng cao và là thời gian cao điểm của buôn lậu. Đây là thời điểm lực lượng hải quan sân bay và các đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận tải qua đường hàng không để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không.

Lực lượng chức năng tại các sân bay sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát việc vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không dịp cuối năm.
Lực lượng chức năng tại các sân bay sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát việc vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không dịp cuối năm.

Ngành hàng không cần làm gì?

Trước nguy cơ gia tăng hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không vào dịp cuối năm, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có chỉ đạo nóng đối với Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan. Cụ thể, Quyết định số 1611/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT nêu rõ, Cục Hàng không Việt Nam có nhiệm vụ chỉ đạo các cảng vụ hàng không, đơn vị kinh doanh khai thác vận tải và dịch vụ tại cảng hàng không quốc tế phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong việc giám sát, kiểm tra hoạt động vận chuyển hành khách, hành lý của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại cảng hàng không quốc tế.

Cơ quan này cũng có trách nhiệm kịp thời thông báo khi có thông tin về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua cảng với các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan hải quan để kịp thời tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, xử lý theo quy định...

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong ngành hàng không với cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các tuyến đường hàng không, nhất là tại địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa.

Bộ GTVT lưu ý, các mặt hàng cần chú ý là mặt hàng điện tử, xăng dầu, than, thuốc lá, rượu, bia, thuốc lá xì gà, động vật quý hiếm, khoáng sản, đường cát, thực phẩm tươi sống, vị thuốc cổ truyền giả và thuốc tân dược...

Đối với các cảng hàng không, lãnh đạo bộ GTVT yêu cầu rà soát chặt chẽ quy trình kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không tại các cảng hàng không, sân bay, kịp thời phát hiện những sơ hở để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh. Kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện, đồ vật ra, vào và hoạt động tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.

Đối với các hãng bay, Bộ GTVT yêu cầu tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền trong nội bộ không sử dụng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tiếp tay cho hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Bên cạnh đó, các hãng bay cần vận động người lao động tố giác đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để kịp thời ngăn chặn, xử lý; chỉ đạo Đoàn bay, Đoàn tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ, quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động hàng không.

 

Bộ GTVT yêu cầu các cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, giám sát tại vị trí nhạy cảm như điểm kiểm tra an ninh hàng không, khu vực phục vụ hành lý, hàng hóa hay khu vực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; khu vực phục vụ tập kết đồ vật, dụng cụ của suất ăn phục vụ trên tàu bay nhất là các chuyến bay quốc tế; trên tàu bay... nhằm kịp thời phát hiện khi có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá bằng đường hàng không.