Sức mua giảm sâu
Sau gần 2 năm chịu tác động dịch Covid-19, sức tiêu thụ hàng hóa trong nước đã sụt giảm mạnh nhiều tháng liên tiếp. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11/2021 dù tăng 6,2% so với tháng 10, nhưng vẫn giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2020. Do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ những tháng trước đó đã ở mức thấp, nhất là từ tháng 5 tới tháng 8, tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nên trong 11 tháng qua doanh thu bán lẻ đã giảm 8,7% so với cùng kỳ 2020. Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội Nguyễn Thùy Chinh cho biết, trong 11 tháng qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP Hà Nội đạt 497,4 nghìn tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 1% (doanh thu phương tiện đi lại giảm 18,3%; ô tô giảm 14,5%; đá quý, kim loại quý giảm 17,3%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm13,3%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng giảm 18,4%, trong đó dịch vụ lưu trú giảm 40,3%; dịch vụ ăn uống giảm 15,8%, doanh thu du lịch lữ hành giảm 49,3%.
Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga chia sẻ, dịch Covid-19 khiến thu nhập của người dân giảm sút nên người tiêu dùng chủ yếu chi tiêu mua sắm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày khiến sức mua giảm sâu. “Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân của người lao động quý III/2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý II và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi quý II/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây” - bà Nga nêu ví dụ.Đa dạng các giải pháp kích cầuGiám đốc Vận hành VinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà cho hay, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+ sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại tuần lễ hàng hóa thiết yếu định kỳ 2 lần/tháng, với nhiều ưu đãi giảm giá lên đến 50% cho hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng qua đó kích thích sức mua của người dân. Tương tự, nhằm kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm, hệ thống siêu thị Co.opmart sẽ giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng nghìn sản phẩm Tết. Theo đó, trước Tết 3 tuần, các siêu thị sẽ tập trung giảm giá hàng nhu yếu, thực phẩm và thời trang. Ngoài các DN, siêu thị, trung tâm thương mại, thì sàn thương mại điện tử Sendo, Shopee, Lazada, Tiki,… cũng có những chương trình khuyến mại giảm giá.Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, để kích cầu tiêu dùng cuối năm, từ cuối tháng 11 đến nay ngành công thương Hà Nội và các DN bán lẻ đã triển khai 43 sự kiện kích cầu tiêu dùng như Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; “Tháng khuyến mại tập trung TP Hà Nội năm 2021”… Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị để hỗ trợ Nhân dân, người lao động tại khu vực ngoại thành tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý trong dịp Tết. Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức 9 phiên chợ Việt tại 5 huyện ngoại thành và 4 khu công nghiệp, khu chế xuất, gồm: Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Mê Linh, Hoài Đức, các khu công nghiệp: Bắc Thăng Long, Phú Nghĩa, Bắc Thường Tín, Nội Bài. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, trong tháng 12/2021 HPA sẽ tổ chức Tháng khuyến mại Hà Nội 2021 với các sự kiện Ngày hội kích cầu; Ngày vàng và Tuần lễ vàng khuyến mại với quy mô 1.000 điểm bán hàng và 50 “điểm vàng” khuyến mại tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, qua đó giảm giá hàng nghìn sản phẩm lên tới 100%.Giảm thuế, phí để hạ giá hàng hóaThực tế cho thấy mặc dù ngành công thương và DN đã tổ chức nhiều chương trình giảm giá kích cầu tiêu dùng nhưng sức mua không tăng như mong đợi. Chủ cửa hàng quần áo thời trang Carton ở phố Giang Văn Minh (quận Ba Đình) Lê Minh Châu chia sẻ, từ khi cửa hàng mở cửa kinh doanh trở lại, cửa hàng đã giảm giá hầu hết sản phẩm thời trang nhưng lượng khách không tăng, doanh số cũng chỉ đạt chưa đến 50% so với thời điểm trước dịch. Hệ thống siêu thị cũng trong tình trạng tương tự, Giám đốc Big C khu vực miền Bắc Lê Mạnh Phong thông tin, nhiều đầu mối cung cấp quần áo thời trang cho siêu thị Big C đã đồng loạt treo biển giảm giá, khuyến mãi sâu từ 50 - 70% thế nhưng sức mua vẫn giảm mạnh so với thời điểm trước dịch bệnh. Nguyên nhân là do thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm họ phải điều chỉnh hành vi tiêu dùng.Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp kích thích sức tiêu dùng thông qua các gói hỗ trợ giảm thuế, phí qua đó hạ giá hàng hóa một cách thực chất. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) TS Ngô Trí Long cho rằng, để kích cầu tiêu dùng hiệu quả, giải pháp đầu tiên phải làm là nên xem xét đến việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập… “Việc giảm thuế khiến cho thu nhập khả dụng của người dân tăng lên trong khi chi phí giá thành của DN giảm xuống. Điều này cũng sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực lên các quyết định chi tiêu và mua sắm của người dân, đồng thời gián tiếp hỗ trợ DN giải phóng hàng hóa, kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh” - ông Long phân tích.Đồng tình với ý kiến này, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Thị Thanh Tùng cũng khuyến nghị, để nâng sức mua của người dân cần có các giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp với các điều khoản linh hoạt qua đó người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đồng thời mở rộng và đa dạng các kênh liên kết giữa ngân hàng và DN, tạo điều kiện cho người dân có thể thuận lợi mua sắm hàng hóa. Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cũng đề nghị bên cạnh việc giảm thuế, phí, Chính phủ cần triển khai nhanh các chương trình đầu tư công để duy trì lại động lực phát triển kinh tế, việc làm này sẽ kéo theo chi tiêu công và lan tỏa đến tiêu dùng của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó cần kêu gọi DN nhà nước gia tăng đầu tư để tạo thêm sự lan tỏa cho những khu vực kinh tế khác, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, gia tăng thu nhập trở lại.Ý kiến của chuyên gia kinh tế cho thấy muốn kích cầu tiêu dùng vào thời điểm cuối năm bên cạnh sự nỗ lực từ phía DN, còn đòi hỏi Chính phủ có những chính sách hỗ trợ qua đó giúp DN giảm giá bán sản phẩm một cách thực chất, người dân có thêm thu nhập để tiêu thụ hàng hóa.
"Có thể thực hiện kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua một chính sách tiền tệ mở rộng hoặc bằng chính sách tài khóa nới lỏng. Mở rộng tiền tệ sẽ khiến cho cung tiền tăng lên, mặt bằng lãi suất giảm xuống và điều kiện tài chính trở nên thông thoáng hơn, khiến hoạt động sản xuất và tiêu dùng sẽ trở nên nhộn nhịp hơn do mặt bằng giá cả đã được kéo giảm. Chính sách này cũng giúp cho DN sản xuất, bán lẻ có điều kiện kinh tế thông thoáng hơn để đưa ra chương trình khuyến mại, giảm giá kích thích chi tiêu." - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành |