Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuối năm tín dụng khả quan, lãi suất có giảm thêm?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia tài chính đánh giá tăng trưởng tín dụng thời gian tới sẽ tiếp tục khả quan và chính sách tiền tệ nới lỏng thêm về cuối năm.

Nới hạn mức tín dụng, dư nợ cho vay tăng nhanh

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 25/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020. Con số này tại thời điểm chưa đầy 1 tháng trước (29/10) mới chỉ đạt 8,72% và cuối tháng 9/2021, dư nợ tín dụng mới tăng 7,88%.

Tín dụng tăng trưởng rất nhanh thời gian gần đây được coi là diễn biến dễ hiểu, do nhu cầu vốn vay tiêu dùng và vốn phải phục vụ sản xuất kinh doanh thường tăng rất mạnh trong cao điểm cuối năm. Việc mở cửa trở lại trên toàn quốc từ đầu quý IV/2021 giúp nhóm khách hàng doanh nghiệp trở lại hoạt động, kéo theo nhu cầu tín dụng cuối năm tăng cao.

 Ảnh minh hoạ

NHNN mới đây cũng đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng trong thời gian còn lại của năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế đang bước đầu hồi phục và kéo nhu cầu vay vốn tăng trở lại về cuối năm. 

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, NHNN mới đây đã chấp thuận tăng hạn mức tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, với việc nới thêm từ 1 - 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.

Cụ thể, TPBank được nới room tín dụng cao nhất, lên đến 23,4%; 3 ngân hàng khác được nới lên trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Các ngân hàng khác cũng được nới mạnh room tín dụng: VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%), VietinBank (12,5%), BIDV (12%)... Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.

Tại Diễn đàn Kinh tế 2021, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, cơ quan này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12%, và có thể điều chỉnh linh hoạt với tình hình thực tế. NHNN cũng sẵn sàng phát đi tín hiệu có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tháng 12/2021.

Với hạn mức mới được mở cho các ngân hàng, Công ty SSI Research ước tính, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 có thể đạt khoảng 13%. Chứng khoán ngân hàng BIDV (BSC) cũng cho rằng, trong năm 2022, dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao 13% và được hỗ trợ bởi các yếu tố như nền kinh tế tiếp tục hồi phục sau dịch bệnh và gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2 - 3 năm sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Kiến nghị giảm lãi suất điều hành thêm 1%

TS Trương Văn Phước - Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, với mức lạm phát đến cuối tháng 10/2021 vẫn thấp (CPI dưới 2%, lạm phát cơ bản dưới 1%) và có khả năng dưới 3% đến cuối năm 2021, thì có thể giảm lãi suất điều hành của NHNN ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn... Nhờ đó mà đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống.

Theo TS Trương Văn Phước, một số các chỉ tiêu như: Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên được duy trì từ nay đến ít nhất cuối năm 2023 nhằm giảm áp lực về tăng lãi suất huy động. Về hệ số rủi ro tín dụng, trong khi vẫn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR thì các DN chịu tổn thất trong đại dịch có thể có hệ số rủi ro tín dụng thấp hơn mức hiện nay để giúp các DN này tiếp cận được vốn tín dụng. Tiếp tục cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đến giữa năm 2023…

Trong nửa đầu tháng 11, bên cạnh một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi, cũng có ngân hàng bắt đầu có động thái điều chỉnh tăng, nhằm chuẩn bị vốn cho mùa tăng tốc kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, xu hướng này được cho chỉ mang tính nhất thời, khi thanh khoản hệ thống nhìn chung vẫn đang dồi dào. NHNN cũng cân nhắc lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như đã đề cập trong Thông tư 08/2020-NHNN. Đáng lưu ý là hồi năm ngoái NHNN từng cho lùi một năm lộ trình áp dụng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn. Việc lùi thời điểm áp dụng Thông tư sẽ phần nào giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.

Về rủi ro lạm phát, NHNN dự kiến năm 2022 có áp lực lớn do độ mở của nền kinh tế và áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), các tổ chức quốc tế đã có cảnh báo khoảng 3,5 - 4%, rủi ro lạm phát vượt 4% sẽ phụ thuộc giá cả thế giới.

“Lạm phát ở các nước phát triển đang ở mức kỷ lục nên NHNN phải chuẩn bị các kịch bản cần thiết. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng nên tổ chức tín dụng phải dùng nguồn lực tài chính của mình để xử lý nợ xấu” - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại buổi chất vấn tại nghị trường Quốc hội mới đây.

Tuy nhiên Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất, song phải đảm bảo tỷ lệ an toàn của tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho biết, mặc dù lãi suất huy động có tăng nhưng ngân hàng vẫn có nguồn vốn rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Đồng thời, nhờ đẩy mạnh số hóa các dịch vụ nên có thể duy trì mức lãi suất cho vay hiện nay. Thời gian qua, ngân hàng đã giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất cho DN, nên mùa cao điểm cuối năm khó giảm thêm, nhất là áp lực lạm phát ngày càng lớn. Tuy nhiên, các DN trong lĩnh vực ưu tiên vẫn có thể vay từ các gói ưu đãi lãi suất”.

NHNN có thể hạ lãi suất điều hành, hạ lãi suất tái cấp vốn hay sử dụng nghiệp vụ thị trường mở thông qua giải pháp bơm tiền ra thị trường, mua trái phiếu chính phủ hiện được các ngân hàng thương mại nắm giữ rất nhiều. Việc đẩy lượng tiền lớn ra lưu thông có khả năng ảnh hưởng đến lạm phát, nhưng không đáng ngại, bởi lạm phát hiện ở mức thấp. Đôi khi phải chấp nhận có sự đánh đổi liên quan đến lạm phát. Dư địa giảm lãi suất cho vay là có nên NHNN có thể cân đối để lãi suất giảm khoảng 1%/năm là phù hợp. TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế