Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuối năm trên đại công trình thủy lợi lớn nhất xứ Nghệ

Hồ Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối năm, có dịp về thăm đại công trình thủy lợi Bản Mồng, không khí thật hối hả, nhộn nhịp khẩn trương. Hiện chủ đầu tư và liên doanh các nhà thầu đang tập trung nhân, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công đại công trình thủy lợi lớn nhất xứ Nghệ.

Vì dòng nước tưới ngày mai
Những ngày cuối tháng 12/2018, đến xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) từ xa đã thấy từng đoàn xe ben ba, bốn chân hối hả chở đầy cát đá tiến vào đại công trình thủy lợi lớn nhất xứ Nghệ. Từ nhà điều hành của Ban quản lý dự án, theo chân Nam, một kỹ sư giám sát ở đây, chúng tôi vượt quảng đường gần 2km để tiến vào công trường.
 Toàn cảnh đập chính đại công trình thủy lợi Bản Mồng. Ảnh: Hồ Văn.
Qua những dốc, đồi quanh co phủ đầy những cây keo trải dày tận chân trời, đại công trình thủy lợi Bản Mồng hiện ra trước mắt. Những quả núi 2 bên dòng sông Hiếu được các cắt gọt từ trên mái xuống để thi công công trình đầu mối.
Từ trên cao nhìn xuống, từng khối bê tông, sắt thép ngăn dòng sông Hiếu dần lộ diện. Hàng chục chiếc cẩu lớn nhỏ đang nhấc những tấm cốt-pha, cuộn thép, thùng bê-tông… đưa vào chân đập chính của đại công trình thủy nông.
Ngay phía hạ lưu đê quây chắn dòng, “trái tim” công trình - thân đập chính sừng sững dài gần 400m chắn giữa hai quả núi đang nhô dần lên cao dưới cái nắng vàng nhạt những ngày cuối đông.
Tuy những ngày cuối năm, tiết trời mưa phùn, gió bấc rét mướt nhưng hàng trăm kỹ sư, công nhân, ô tô, máy móc thi công hiện đại vẫn ngày đêm hối hả thi công các hạng mục của đập chính. Đại công trình thủy lợi bản Mồng do liên doanh các nhà thầu có thương hiệu trong xây dựng các công trình thủy lợi như: Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4, Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng), Công ty Hòa Hiệp và Công ty Hoàng Dân đang gấp rút, đẩy nhanh tiến độ. Do đó, họ luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Để đẩy nhanh tiến độ, các đơn vị đã đưa vào công trường hai trạm trộn bê-tông cỡ lớn, cẩu tháp 7030, cẩu Kato75 tấn, cẩu băng chuyền… Do có kinh nghiệm đổ bê-tông phối trộn tro bay, nên chất lượng bê-tông luôn được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng. Mỗi khối bê-tông trước khi đổ đều được chủ đầu tư và nhà thầu kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào, quy trình thi công, bảo dưỡng…
Các đơn vị thi công tranh thủ thời gian mát dịu, nhất là buổi tối để đổ bê-tông. Đến nay, các khối lượng công việc do liên doanh các nhà thầu thi công công trình thủy lợi Bản Mồng đã hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2018 trước một tháng. Hiện, liên doanh các nhà thầu đang tiếp tục huy động các phương tiện thi công hiện đại, tập trung nhân lực, hối hả tổ chức thi đua nước rút và đều về đích trước kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, Công trình Thủy lợi Bản Mồng là công trình thủy lợi đầu tiên của cả nước thi công đập bê-tông khối lớn có chất phụ gia tro bay của nhà máy nhiệt điện để giảm chi phí và tăng chất lượng, tuổi thọ công trình. Để làm chủ được quy trình này, Ban 4 đã tổ chức một cách khoa học, phê duyệt tiêu chuẩn cơ sở và đưa ra các quy trình quản lý chất lượng từ khâu thiết kế, thi công và nghiệm thu; tổ chức lớp học cho các cán bộ kỹ thuật nhà thầu, mời các chuyên gia đầu ngành tập huấn về cấp phối bê-tông cũng như khống chế nhiệt...
Tuy mới chính thức thi công từ đầu năm 2018 đến nay, bên cạnh việc hoàn thành mặt bằng, đào đắp các đê quây thượng, hạ lưu; xử lý sạt trượt hai bên sườn núi của hố móng, khoan phụt hố móng lòng sông, chân khay, các nhà thầu đã tập trung thi công đập chính, khi đã đào đắp được hơn 800 nghìn m3 đất đá các loại; đổ hơn 75nghìn m3 bê-tông phản áp và bê-tông kết cấu đập chính, tràn phản áp, bể tiêu năng, cống xả sâu… với tổng giá trị thực hiện khoảng 315 tỷ đồng.
 Hàng trăm công nhân, máy móc đang hối hả làm việc vì dòng nước tưới ngày mai. Ảnh: Hồ Văn.
Kỳ vọng đánh thức miền Tây xứ Nghệ
Dự án Thủy lợi Bản Mồng do Ban 4 làm chủ đầu tư là công trình trọng điểm của Bộ NN-PTNT nằm ở huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) với tổng vốn đầu tư gần 4.500 tỷ đồng. Công trình thủy lợi Bản Mồng được khởi công xây dựng năm 2010, do khó khăn về nguồn vốn, công trình buộc phải giãn tiến độ, đến năm 2017 mới được cấp vốn trở lại. Ban đầu, công trình thủy lợi cấp I này dự kiến phải di dời, tái định cư khoảng 1.265 hộ, gần 5.000 nhân khẩu. Nhận thấy dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn về xã hội, lãnh đạo Bộ NN- PTNT đã cùng các đơn vị thuộc Bộ, các chuyên gia và Ban 4 nghiên cứu các giải pháp công trình để giữ được 585 hộ ở thị trấn Châu Bình, giải pháp cao trình di dân hợp lý, đến nay chỉ còn 220 hộ phải di dời, tiết kiệm cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Ban 4 cho biết, chủ đầu tư cùng liên doanh các nhà thầu đều quyết tâm phấn đấu, đến cuối năm 2020, công trình TLBM sẽ hoàn thành giai đoạn 1. Công trình hoàn thành sẽ tạo ra một “kho” nước dự trữ lớn nhất xứ Nghệ, lên đến 225 triệu m3, nằm ngay phía trên vùng đất bazan Phủ Quỳ màu mỡ. Đại công trình thủy lợi này sẽ tạo nguồn và cung cấp nước tưới cho 18.670 héc-ta đất nông nghiệp của 5 huyện gồm Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Tân Kỳ và một phần huyện Anh Sơn (Nghệ An).
Không những thế, công trình thủy lợi Bản Mồng được kỳ vọng sẽ đánh thức và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp miền Tây Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, “kho” nước quý giá này còn phục vụ đời sống dân sinh, chăn nuôi và các ngành công nghiệp, dịch vụ khác. Thêm nữa, công trình còn có nhiệm vụ cắt lũ cho hạ du sông Hiếu, cấp nước cho sông Cả về mùa hạn... và phát điện công suất 43 MW, Công trình thủy lợi Bản Mồng khi đi vào khai thác vận hành sẽ là cơ hội để đánh thức và phát triển kinh tế cho vùng Phủ Quỳ rộng lớn, đầy tiềm năng.